Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Vietnam Airlines ‘lâm nguy’, thua lỗ và nợ nần quá cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hiện đang đối mặt nguy cơ kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro không cân đối các khoản vay ngắn hạn đến hạn trả nợ tại các ngân hàng. Trong khi đó, số liệu ước tính cho thấy con số thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp lên đến 10.000 tỉ đồng.
Vietnam Airlines triển khai chính sách hỗ trợ đổi vé miễn phí cho hành khách đến hoặc đi từ Vinh, Huế, Đồng Hới. Ảnh minh hoạ: Vietnam Airlines

Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 14-6 nhận định nhu cầu vận tải hàng không 2020 đã giảm mạnh khoảng 34,5-65,9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm mạnh hơn 61% so với năm trước đó.

Tính từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3, vào thời điểm Tết Nguyên đán 2021, cho đến nay, doanh thu của toàn ngành hàng không nội địa đã giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán. Cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm lý khách hàng bị thay đổi, dự báo vận tải hàng không năm 2021 sẽ tiếp tục xuống đáy, dự kiến phải đến năm 2024 mới có thể phục hồi như trước khi có dịch.

Theo Vietnam Airlines, dự kiến số lỗ quí 1 năm nay của hãng ở mức 4.800 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lỗ đến 10.000 tỉ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, số lỗ của Vietnam Airlines tương đương 2/3 số lỗ của cả năm 2020 (14.000 tỉ đồng) và có thể dẫn đến âm vốn điều lệ, phá sản.

Hiện tại, Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn với số nợ phải trả quá hạn là 6.240 tỉ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy tín hiệu từ gói giải cứu 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng. Do vậy, những rủi ro về kiện tụng, pháp lý đang đợi hãng hàng không quốc gia khi đến hạn không trả nợ được ngân hàng.

Tình hình khó khăn cũng xảy ra đối với các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet Air. Mặc dù năm 2020 các hãng này đã chủ động cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, dự báo là các hãng đều cạn kiệt về nguồn lực tài chính để hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không. Vietjet cũng ước tính thiếu hụt 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hàng loạt biện pháp giải cứu doanh nghiệp nói chung, cũng như riêng về vấn đề tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay và đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 84/2020 về các giải pháp tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp cho các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các hãng hàng không tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động, tương tự như gói hỗ trợ Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Lan Nhi

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối