(SGTTO) - Việc ban tổ chức giải chạy Vietnam Mountain Marathon 2021 (VMM) công bố sẽ có thêm cự ly 160km khiến cộng đồng chạy bộ rất háo hức. Tuy nhiên, các vận động viên muốn đăng ký cự ly này phải hội đủ một số điều kiện của ban tổ chức mới được tham gia.
- Giải Vietnam Mountain Marathon dời ngày tổ chức
- Trần Duy Quang, người Việt đầu tiên chinh phục giải Spartathlon Hy Lạp
Đây là lần đầu tiên giải chạy địa hình VMM (dự kiến diễn ra vào tháng 8-2021 tại vùng núi phía Bắc) có cự ly "khủng" 160km (100 dặm). Việc ban tổ chức giải đưa ra điều kiện cụ thể với các vận động viên đăng ký cự ly này sẽ làm hạn chế số lượng vận động viên tham gia nhưng sẽ an toàn hơn cho các vận động viên.
Điều kiện tham gia cự ly 160km
Theo công bố của ban tổ chức VMM 2021, vận động viên chỉ được tham dự ở cự ly 100 dặm khi hội đủ một trong các điều kiện sau tính từ năm 2018: Đã từng hoàn thành giải VMM ở cự ly 100km (không tính DNF - thuật ngữ chỉ người tham gia không hoàn thành cự ly trong thời gian quy định) hoặc hoàn thành một cự ly chạy đường núi từ cự ly 100km ở giải tương tự hay hoàn thành cự ly 70km của chuỗi giải Vietnam Trail Series hoặc giải tương tự với thành tích không quá 15 giờ.
Khi đăng ký, vận động viên cung cấp đường link dẫn tới kết quả đủ điều kiện. Nếu vận động viên có kế hoạch tham gia một giải chạy đủ tiêu chuẩn như ban tổ chức đã nêu trong thời gian từ nay đến khi VMM 2021 diễn ra, cần gửi link kết quả tới ban tổ chức trước ngày 10-7-2021.
Những trường hợp không cung cấp được bằng chứng hoàn thành đủ điều kiện sẽ bị từ chối quyền tham dự cự ly 100 dặm.
An toàn là trên hết
Mục đích của ban tổ chức khi đưa ra điều kiện tham dự cự ly 100 dặm là để chọn lọc ra những vận động viên đủ thể lực và khả năng chịu được thử thách của đường chạy được xem khắc nghiệt nhất Việt Nam.
Nói về thói quen của những người tham gia giải chạy địa hình, theo huấn luyện viên Lưu Chí Hùng, phần lớn các vận động viên có xu hướng đăng ký tham gia ở các cự ly dài trong khi những cự ly ngắn như 42km hay thấp hơn có ít người chọn. Trong số những người đăng ký cự ly "khó nhằn", nhiều người vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng về thể lực và kinh nghiệm nên sẽ rất nguy hiểm khi chạy.
Theo vận động viên Trần Duy Quang, nhà vô địch của VMM 2020 ở cự ly 100km (cự ly dài nhất của năm nay), không phải ai muốn tham gia cự ly siêu dài này đều có thể tham gia được. Chỉ với cự ly 100km, anh Duy Quang đã phải nỗ lực rất nhiều mới có thể về đích.
Anh Lương Ngọc Duy, vận động viên tham gia nhóm cứu hộ của các giải chạy, cho biết: "Ở các giải chạy, nhất là giải chạy địa hình, rất nhiều vận động viên đã ngất xỉu khi đang chạy. Do đó, việc ban tổ chức đưa ra điều kiện cho cự ly 100 dặm là hợp lý để đảm bảo sự an toàn tối đa cho người chạy".
Nguy cơ bị đột quỵ trên đường chạy
Một vấn đề về sức khỏe mà người chạy hay gặp phải là bị đột quỵ khi hoạt động gắng sức. Không chỉ có vận động viên không chuyên mà ngay cả vận động viên chuyên nghiệp cũng có thể bị đột quỵ.
Điền kinh của thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp bị đột quỵ trong khi tập hay thi đấu. Vận động viên Irene Chebet Cheptai suýt mất mạng sau cú đột quỵ gây sốc tại giải Anniversary Games (London, Anh quốc) năm 2013. Vận động viên người Nga Margarita Plavunova đã đổ gục trên đường chạy 100m rào năm 2019 và qua đời sau đó. Tại đại hội thể thao Millrose Games ở New York (Mỹ) vào tháng 2-2019, vận động viên Kemoy Campbell của đội điền kinh Jamaica bị đột quỵ khi đang chạy dẫn tốc, tuy giữ được tính mạng nhưng anh đã phải giải nghệ.
Theo các vận động viên chạy chuyên nghiệp, khi quyết định tham gia giải chạy địa hình ở cư ly dài, người chạy cần luyện tập bài bản và có kinh nghiệm trên đường đua ít nhất một năm để cơ thể quen dần. Đặc biệt, khi có dấu hiệu đuối sức khi chạy nên dừng lại ngay.
Quỳnh Châu