Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Vietravel quyết bay, Bộ Giao thông Vận tải ngại ngần

Đường đến giấy chứng phép kinh doanh vận tải hàng không của Vietravel Airlines tưởng gần nhưng lại xa thêm một bước do đại dịch Covid-19. Hãng quyết cất cánh theo kế hoạch dự kiến vào đầu năm 2021 nhưng các cơ quan cấp phép, cơ quan quản lý lại hết sức đắn đo vì diễn biến thị trường đang ngày càng xấu đi.

Vietravel Airlines : Trong nguy có cơ

Hồi đầu tháng 3, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ, Công ty TNHH Vận tải Hàng không Lữ hành Vietravel Airlines được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không với tổng mức đầu tư 700 tỉ đồng, hoàn toàn là vốn chủ sở hữu. Vietravel Airlines chọn sân bay Phú Bài (TT-Huế) làm sân bay căn cứ với quy mô ban đầu khai thác 3 máy bay (tàu bay) Airbus/Boeing hoặc tương đương. Đến năm 2025 dự kiến sẽ có 8 tàu bay.

Sau khi được phê duyệt chủ trương, hãng cần được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp giấy phép vận tải hàng không và chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) thì mới hoàn thành mọi thủ tục cất cánh, dự kiến đầu năm 2021 tới.

Các hãng hàng không nội địa đều thua lỗ nặng vì dịch bệnh, tàu bay nằm sân không thể cất cánh. Vietravel Airlines vẫn quyết gia nhập thị trường theo kế hoạch để tận dụng "nguy thành cơ". Ảnh munh họa: TTXVN

Thời điểm hãng hàng không tư nhân này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thì thị trường hàng không toàn cầu cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 lan rộng, các quốc gia trên thế giới hầu như đóng cửa không phận. Hàng không nội địa trong nước cũng bị suy sụp, thua lỗ, ước tính năm nay các hãng hàng không nội địa sẽ lỗ chừng 4 tỉ đô la (riêng Vietnam Airlines chiếm một nửa số lỗ này).

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản không cấp phép mới cho các hãng hàng không đến 2022. Hãng hàng không Cánh diều (Kite Air) xin phép cùng thời điểm với Vietravel Airlines đã chính thức bị từ chối vì những khó khăn chung của thị trường. Người ta cũng đặt câu hỏi về số phận của Vietravel Airlines mới được khai sinh, liệu có dám “liều mình” cất cánh trong cơn khủng hoảng?

Trước sự lo ngại này của báo giới, ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines, người có nhiều năm kinh nghiệm là giám đốc Công ty TNHH MTV Vasco của Vietnam Airlines nhận định: Trong nguy có cơ. Hãng này đã có thời gian dài chuẩn bị nên muốn tận dụng dịp thị trường “xuống đáy” để đầu tư, giảm chi phí, bớt cạnh tranh. Lãnh đạo Vietravel Airlines cũng cho rằng trong bối cảnh nhiều hãng hàng không hủy, giãn đơn hàng, máy bay nằm sân 2/3 không có khách thuê thì cũng là dịp để Vietravel Airlines có thêm nhiều lựa chọn trong việc mua sắm hoặc thuê thiết bị với giá rẻ hơn thời điểm thị trường trong giai đoạn các hãng chạy đua đầu tư.

Hơn nữa, hãng cũng đầu tư ở quy mô nhỏ, với 3 tàu bay hoạt động, phục vụ cho khách hàng của công ty mẹ là Vietravel khi du lịch phục hồi (riêng khách của Vietravel đã chiếm phần lớn cung tải của hãng) với khoảng trên 1 triệu khách các loại/năm nên phục vụ nhu cầu nội tại là chính, không quá phụ thuộc và không chịu sức ép cạnh tranh mạnh trên thị trường nội địa.

Ở một khía cạnh khác, giá thuê tàu bay đã giảm 20-30% so với thời điểm bình thường, giá thuê nhân sự còn giảm mạnh hơn nữa, thậm chí giảm 2/3 so với cao điểm tranh giành nhân lực giữa các hãng. Cho nên, Vietravel Airlines vẫn xúc tiến các kế hoạch bay như dự tính, tận dụng cơ hội cho kịp đà phục hồi của thị trường trong những tháng tới.

Lo ngại dịch bệnh, Bộ GTVT thận trọng

Bộ GTVT trong văn bản phát đi hôm 20-8 gửi Cục Hàng không Việt Nam và Vietravel Airlines liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển cho hãng, đã bày tỏ sự thận trọng. Bộ GTVT thừa nhận hãng đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định: “Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid -9 vẫn diễn biến phức tạp và đã lan rộng trên toàn thế giới nên kế hoạch kinh doanh của Vietravel Airlines phải đảm bảo hiệu quả và khả thi”.

Cơ quan này yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm hàng loạt vấn đề. Thứ nhất, hãng phải phân tích, đánh giá bổ sung đối với hoạt động vận tải hàng không hiện nay (đội tàu, hạ tầng, nhu cầu vận chuyển...), kế hoạch chuẩn bị tàu bay để có Giấy chứng nhận AOC, rà soát phương án kinh doanh của đề án trong bối cảnh thị trường hàng không và du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, làm rõ thêm sự hợp tác với các hãng khác, doanh nghiệp dịch vụ khác.

Bộ yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát, báo cáo đánh giá bổ sung về những thuận lợi, khó khăn hiện nay của ngành hàng không về các mặt có thể ảnh hưởng đển Vietravel Airlines như thế nào để cập nhật vào báo cáo gửi Thủ tướng trước khi cấp giấy phép vận chuyển cho Vietravel Airlines.

Cần phải nói thêm rằng, công văn này được Bộ GTVT đưa ra sau cuộc họp nghe báo cáo về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines do ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì hôm 14-8 với sự tham dự của các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và lãnh đạo Vietravel Airlines.

Theo đó, Bộ GTVT đánh giá, hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines cơ bản đáp ứng đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung; quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không cũng như Quyết định số 457/QĐ-TTg ngày 3-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.

Tuy nhiên, do Covid-19 diễn biến phức tạp và đã lan rộng trên toàn thế giới, để hoạt động kinh doanh của Vietravel Airlines đảm bảo hiệu quả và khả thi sau khi đi vào hoạt động, Bộ GTVT yêu cầu Vietravel Airlines phân tích, đánh giá bổ sung đối với hoạt động vận tải hàng không hiện nay (đội tàu bay, hạ tầng cảng hàng không sân bay, nhu cầu vận chuyển…), kế hoạch chuẩn bị tàu bay để có Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).

“Vietravel Ailines phải rà soát phương án kinh doanh của Đề án kinh doanh trong bối cảnh thị trường hàng không và du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19; làm rõ thêm việc hợp tác với các hãng hàng không, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không trong nước trong tình hình hiện nay và sắp tới”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Cục Hàng không Việt Nam được yêu cầu rà soát, báo cáo đánh giá bổ sung về những thuận lợi, khó khăn hiện nay trong ngành hàng không ảnh hưởng đến Vietravel Airlines; đồng thời phối hợp với Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cập nhật vào trong dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.

Lan Nhi

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối