Hình thức tuyển dụng dễ dàng cùng những lời giới thiệu có cánh về sự tự do và thu nhập khiến nhiều bạn trẻ lựa chọn nghề viết nội dung làm công việc toàn thời gian hay làm thêm. Thực tế, để kiếm được thu nhập tốt từ công việc này là rất khó khăn, khiến nhiều người “vỡ mộng”.
Công việc viết nội dung (content writer) cho một doanh nghiệp có thể hiểu nôm na là lên kế hoạch, ý tưởng và thực hiện sáng tác ra các nội dung hay, hấp dẫn, có giá trị để thu hút người tiêu dùng, làm sao để họ hiểu và bị thuyết phục về những dịch vụ sản phẩm của doanh nghiệp đó. Thông thường, các nội dung (content) được đăng tải chủ yếu trên nền tảng số hóa và là một phần của chiến dịch tiếp thị của doanh nghiệp. Do đó, nội dung viết ra phải đảm bảo các yêu cầu về tiếp thị trực tuyến như tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm (SEO), đúng yêu cầu của khách hàng về nội dung, độ dài, từ khóa và đương nhiên là phải… hay!
Việc không dễ và lương không cao
Công việc content writer hiện tại đang có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều. Chỉ cần gõ từ khoá “viết content” lên mạng xã hội hoặc các trang tìm việc online, có đến hàng ngàn tuyển dụng viết content để người tìm việc ứng tuyển. Đa phần công việc được các trang tuyển dụng giới thiệu với yêu cầu nhẹ nhàng như: “Làm việc tại nhà không cần lên công ty, phù hợp với sinh viên làm thêm và không có phương tiện đi lại”, “Mỗi ngày 2 bài viết không cần hình ảnh, lương thoả thuận”, “Mỗi bài viết 500 chữ chủ yếu về các loại mỹ phẩm dưỡng da của công ty, không cần hình ảnh”…
Người đăng tin để lại thông tin email, số điện thoại để người tìm việc liên lạc hoặc nhắn tin trực tiếp cho người tuyển dụng qua mạng xã hội. Chủ yếu là sự đồng thuận từ hai phía và không có bất kỳ hợp đồng lao động hay hợp đồng thử việc nào được ký kết khi bắt đầu vào việc. Tuy vậy, rất nhiều bạn trẻ đam mê viết văn và muốn kiếm ra tiền từ sở thích luôn sẵn sàng thử việc.
Là sinh viên năm hai trường Đại học Sài Gòn, khá tự tin với khả năng viết lách của mình, Thanh Tâm tham gia vào nhóm tìm việc trên mạng xã hội và ứng tuyển công việc viết nội dung tại nhà để kiếm tiền sau giờ học. Tâm liên lạc với nhà tuyển dụng qua tài khoản mạng xã hội rồi đồng ý thử việc trong hai tuần. Yêu cầu là viết mỗi ngày từ 2-3 bài với độ dài từ 300 đến 500 chữ, nội dung về các loại mỹ phẩm và son môi, nhuận bút 50.000-70.000 đồng/bài. Qua hai tuần thử việc, hơn 10 bài viết nhưng số tiền nhuận bút mà bạn trẻ này nhận được chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng. Khi hỏi lại thì nhà tuyển dụng trả lời có bài viết không đạt yêu cầu nên chỉ trả 10.000 đồng bài viết, và hơn 10 bài viết chỉ chuyển khoản cho em 100.000 đồng.
Thận trọng hơn khi tìm việc qua mạng, Hồng Đào, 20 tuổi, ngụ quận Tân Bình, đến công ty để ứng tuyển và trao đổi kỹ hơn về công việc cũng như mức lương. Bài viết chủ yếu về dinh dưỡng và thực phẩm chức năng với mức nhuận bút 50.000-100.000 đồng cho bài viết từ 500 đến khoảng 700 chữ. Sau một tuần thử việc mà không thấy lương, Đào nhắn tin hỏi thì được cho hay trong ba bài bạn viết chỉ đạt yêu cầu hai bài, mỗi bài cũng không đủ chất lượng nên chỉ trả 20.000 đồng. “Họ nói cộng lại không đủ 50.000 đồng nên họ không chuyển khoản”, Đào thất vọng kể lại.
Áp lực trên từng con chữ
Bài viết nội dung để thu hút sự quan tâm của khách hàng phải thực sự lôi cuốn, hấp dẫn nhưng nội dung ngắn gọn vừa phải không thiếu, không thừa. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, bài viết nội dung còn phải đạt yêu cầu tối ưu hoá nội dung theo từ khóa để có thể đạt thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm, đặc biệt là thứ hạng cao nhất của công cụ Google. Vì vậy một bài viết nội dung muốn đạt yêu cầu của các công ty đưa ra thì phải cân bằng giữa yếu tố nội dung và dàn trải các từ khoá theo cấu trúc tốt nhất có thể trong bài viết. Đây cũng là một áp lực mà người viết nội dung phải tìm cách xử lý cho bằng được nếu muốn kiếm tiền từ công việc này.
Huy Hoàng, 28 tuổi, nhân viên viết nội dung mảng xe và phụ tùng tại quận 3, TPHCM cho hay: “Một bài viết chừng 500 chữ nhưng có khi sửa đi sửa lại gần cả chục lần cho phù hợp với yêu cầu công ty. Giờ giấc làm việc thì linh hoạt, không bắt buộc lên công ty nhưng gần như mình phải trực bên máy tính suốt, để công ty có yêu cầu bổ sung hay chỉnh sửa cho bài viết thì mình phải làm liền”.
Chính áp lực từ những con chữ khiến nhiều người vỡ lẽ, nhận ra nghề viết nội dung thực sự là một công việc có rất nhiều ràng buộc, không phải là nơi để kiếm tiền bằng sở thích viết lách. Hơn nữa, vì phải viết nhiều và theo đuổi thu nhập, sự tự do và tươi mới trong sáng tác bị mất dần đi khá nhanh. Nhiều người mới bắt đầu lẫn những “cựu binh với việc viết nội dung cũng bỏ cuộc rất nhiều.
Có lẽ chính vì vậy mà nghề viết nội dung vẫn luôn giữ được độ “hot” trên thị trường nhân sự khi nhu cầu công việc cao mà tuyển mãi vẫn thiếu. Chị Mai Anh, Trưởng phòng Marketing của một công ty bất động sản tại quận Tân Bình, than thở: “Công ty phải đăng tin tuyển dụng viết nội dung liên tục vì người ứng tuyển cứ đến rồi đi, một ngày tuyển được 7, 8 bạn là chuyện bình thường nhưng trụ lại không quá vài tháng tháng. Có bạn vừa nghe yêu cầu bài viết thì đã từ chối vì không chịu được áp lực”.
Thanh Dương