Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Vỗ tay ở Cannes

Liên hoan phim Cannes (ở Pháp) kết thúc vào rạng sáng 28-5 theo giờ Việt Nam, với hai giải vinh danh liên quan đến Việt Nam: đạo diễn Trần Anh Hùng (người Pháp gốc Việt) và đạo diễn có quốc tịch Việt Nam hiện sống tại Mỹ: Phạm Thiên Ân. Một người là đạo diễn kỳ cựu với nhiều bộ phim lan tỏa giá trị sống, đã từng giành giải thưởng với phim Mùi đu đủ xanh (1993), hay gây ấn tượng mạnh và có cái tựa phim rất gợi – Mùa hè chiều thẳng đứng (2000)…; một người là đạo diễn trẻ (sinh năm 1984) nhưng “làm phim rất sâu” về phận người với Bên trong vỏ kén vàng đạt giải năm nay.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân nhận giải tại Cannes 2023. Ảnh: FBNV

Hai bộ phim cũ vừa kể của Trần Anh Hùng thì tôi đã xem, còn Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân thì tôi chưa được xem. Nhưng khi đọc thấy những dòng tóm tắt các kịch bản phim, tôi nghĩ rằng những tràng vỗ tay dành cho vị trí đạo diễn xuất sắc nhất của Trần Anh Hùng, hay cho giải Camera vàng (giải thưởng giống như Mùi đu đủ xanh 30 năm trước) về tay đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân, đã vinh danh quá trình lao động nghệ thuật hết sức suy tư và sáng tạo của họ, ngay tại một giải thưởng danh giá ở đất nước từng khởi đi nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật lâu bền của nhân loại!

Nói về những tràng vỗ tay ở Cannes. Từ tường thuật của báo chí quốc tế hoặc bài tường thuật tại chỗ, thông tin về những tràng vỗ tay dài – dành cho bộ phim này 5 phút, bộ phim kia những 7 phút, 9 phút khi được xướng danh, đã cho thấy phần nào bầu khí cảm xúc của sự kiện này.

Cho dù, có một số người hay có tờ báo cho rằng “có tràng vỗ tay chỉ để giải tỏa năng lượng”, hay đó là “sự lan truyền vô nghĩa trong khán phòng” khi chỉ trích một số bộ phim chưa xứng tầm nhận giải.

Nhưng riêng về hai bộ phim của hai đạo diễn có yếu tố Việt thì hầu như không nghe thấy lời chê. Ấy là tiếng vọng văn hóa gặt hái được của những nhà đầu tư, các nhà biên kịch, đạo diễn, ê kíp làm phim…, mà lời phát biểu khi nhận giải trước khán giả của Phạm Thiên Ân khiến đọng lại nhiều suy nghĩ: “Chúng ta đã đi một hành trình rất dài để tới được đây và điện ảnh là thứ đức tin gắn kết chúng ta lại”.

Thật vậy, tác phẩm nghệ thuật khi được sinh ra bởi một “thứ đức tin” được theo đuổi và thao thức miệt mài, có thể không khỏi vấp phải cách nhìn nhận của một số người cho rằng nó chưa hay hoặc chưa xứng tầm, nhưng cũng có thể đối trọng với đó là sự ủng hộ của một số khác khi họ cảm nhận được chất lượng nghệ thuật sản sinh từ “đức tin” của người tạo ra nó.

Đây là một lằn ranh dễ hiểu, có từ sự đánh giá hời hợt về tác phẩm nghệ thuật của một số người, song sẽ hoàn toàn ngược lại khi tác phẩm nhận được sự thấu cảm và chia sẻ của nhiều người khác. Bởi, khi người làm nghệ thuật đi theo một “thứ đức tin” trong lao động sáng tạo và khiến cho công chúng thỏa mãn sau khi thưởng ngoạn, sức nặng khái niệm ấy sẽ tự nó nói lên nhiều điều.

Bởi thế, một lời khen hay chê một bộ phim, đúng là không chỉ dựa vào tràng vỗ tay dài hay ngắn, hoặc sự truyền đạt lại cảm xúc từ người đã từng xem bộ phim ấy. Sự đồng cảm hay không của người thụ hưởng giá trị nghệ thuật là tự họ xem và đánh giá.

Cái sự đánh giá riêng ấy có trùng hợp, cảm thông với “đức tin” của người làm phim gửi gắm vào bộ phim hay không và đến mức nào, thiển nghĩ ấy là độ rung động nơi mỗi người xem. Và hẳn nhiên, khi có nhiều người dành sự ưu ái cho “cái-vỗ-tay-rung-động” là lúc trí não và tâm huyết của đa số đã hướng về tác phẩm nghệ thuật, điểm số từ họ nhất định sẽ đúng!

Trần Thanh Bình

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối