Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Vô tình tiếp tay cho hàng giả

Vũ Yến

Tháng nào cơ quan quản lý thị trường cũng đưa ra báo cáo, cho biết đã bắt cả ngàn sản phẩm giả, nhái thương hiệu. Thế nhưng, loại hàng này không những không giảm mà còn được bày bán công khai tại các chợ và một số trung tâm thương mại, thậm chí có những bộ đồ “hàng hiệu” có giá chỉ vài chục ngàn đồng.

Bày bán công khai

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, từ ngày 13 đến 18-3 vừa qua, cơ quan quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra một số cửa hàng trên đường phố, tạm giữ khoảng 300 sản phẩm giả, trong đó có áo thun hiệu Tommy Hilfiger. Trước đó vài ngày, cơ quan này cũng đã thu giữ khoảng 2.400 chiếc quần tây nhái nhãn hiệu Owen có trị giá khoảng 1 tỉ đồng. Một đại diện của Chi cục Quản lý thị trường cho biết số quần tây trên do một công ty tại quận 6 TPHCM sản xuất, sau đó mua nhãn hiệu Owen trôi nổi trên thị trường gắn vào để bán.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ kiểm tra, tạm giữ các sản phẩm giả nhãn hiệu của cơ quan chức năng. Tâm lý ưa chuộng hàng hiệu giúp cho hàng giả có đất sống, thậm chí không khó để tìm mua các sản phẩm này.

Áo Tommy, Polo được bán hạ giá ở một trung tâm thương mại tại quận 1, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến
Áo Tommy, Polo được bán hạ giá ở một trung tâm thương mại tại quận 1, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến

Ghi nhận thực tế cho thấy các loại quần áo nam nữ giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như Hollister, Polo, Tommy Hilfiger, Abercrombie & Fitch, Burberry, Lascote... được bán nhan nhản tại các chợ, trung tâm thương mại trong thành phố, từ chợ Bến Thành, chợ Cũ (quận 1) đến các chợ Phạm Văn Hai, Tân Bình (quận Tân Bình). Ngoài ra, trong các cửa hàng thời trang trên nhiều tuyến đường như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng 8 và Quang Trung... hàng giả đều có mặt. Đó là chưa kể tới việc chúng còn được rao bán công khai trên các trang web và trang mạng cá nhân.

Không chỉ dừng lại ở việc bày bán công khai, một số nơi còn rao sẽ nhận gia công các sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu cho những tiểu thương có nhu cầu. Từ số điện thoại công khai giới thiệu trên mạng, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã liên hệ với chủ một cơ sở sản xuất có địa chỉ tại quận 5, TPHCM. Người này cho biết có thể cung cấp các loại áo thun người lớn, trẻ em hiệu Polo, Burberry, Abercrombie với giá 57.000 đồng/chiếc (áo trẻ em), 80.000 đồng/chiếc (áo người lớn).

“Tôi có thể cung cấp bao nhiêu cũng được, nhưng đây là hàng nhái, hàng giả thôi, không phải hiệu thiệt nha, thiệt không có giá đó đâu!”, người này nói.

Trên thị trường, mức giá bán của các sản phẩm quần và áo nhái, giả thương hiệu này khoảng 130.000-400.000 đồng/chiếc. Có những thời điểm, chúng được bán với giá chỉ khoảng 80.000-100.000 đồng/chiếc.

Phần lớn từ Trung Quốc

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường tập trung nhiều ở lĩnh vực thời trang quần áo, túi xách, giày dép. Nguồn hàng phần lớn từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam qua cửa ngõ biên giới miền Bắc. Sau đó được vận chuyển bằng đường bộ vào các thành phố lớn và tỏa đi các tỉnh thông qua hình thức bán sỉ. Louis Vuitton, Lacoste, Gucci, Chanel, Nike và adidas là những thương hiệu bị làm giả, nhái nhiều. “Sở dĩ hàng nhái, hàng giả liên tục được nhập lậu vào Việt Nam với số lượng lớn, một phần là do người tiêu dùng thích xài hàng hiệu giá rẻ”, ông Kiếm nói.

Đại diện thương hiệu Lacoste cho biết, trong năm năm qua, một số nhà máy sản xuất sản phẩm Lacoste bất hợp pháp đã bị đóng cửa, nhiều sản phẩm hàng nhái thương hiệu này cũng đã bị bắt giữ. Chúng phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam, được bán rộng rãi ở các cửa hàng, chợ, nhiều nhất tại TPHCM và Hà Nội.

Theo vị này, hàng giả không những ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh, thương hiệu, hình ảnh của Lacoste mà còn ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng, những người bị lừa mua phải hàng giả, kém chất lượng. Một nhóm nhân sự được chỉ định để thực hiện bảo vệ nhãn hiệu toàn cầu và chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại Việt Nam, thương hiệu này cũng phối hợp với hải quan và cơ quan quản lý thị trường để ngăn chặn tình trạng này.

Đại diện của một thương hiệu thời trang nổi tiếng khác không muốn nêu tên cho biết, vấn đề là nhiều người tiêu dùng biết đó không phải là hàng hiệu nhưng vẫn mua. Một phần là họ có ít tiền, một phần là do tâm lý thích mặc hàng hiệu. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

“Không dễ phân biệt hàng thật với hàng giả, hàng nhái bởi các đối tượng làm giả ngày càng tinh vi”, vị này cho biết. Song, có một cách phân biệt, đó là nhìn vào giá cả. Một chiếc áo hàng hiệu thật có giá 2 triệu đồng không thể bán với giá chỉ 130.000 đồng như ở chợ được.

Bà Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, cho biết từ trước đến nay, hội gần như không nhận được đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng về tình trạng hàng giả, hàng nhái. Có trường hợp người tiêu dùng mua sản phẩm về, thấy chất lượng kém, nghi hàng giả đã mang tới hội để khiếu nại. Hội mời hai bên tới, người bán không thừa nhận đó là hàng giả, đổ thừa hàng kém chất lượng là do thời tiết. Sau đó người bán trả lại tiền cho người mua.

“Hàng giả, hàng nhái lan tràn trên thị trường có một phần không nhỏ do sự tiếp tay của người tiêu dùng. Nhiều người điều kiện kinh tế chưa cho phép nhưng vẫn tìm mua hàng hiệu dù biết đó là hàng giả, hàng nhái. Nếu người tiêu dùng không tẩy chay, nói không với chúng dù rẻ cỡ nào thì tình trạng sản xuất, kinh doanh mặt hàng này sẽ còn tồn tại và ngày càng tăng”, bà Thu nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối