Trong nhịp sống hối hả, giữa những dòng xe máy, ô tô với tiếng ầm ĩ của động cơ và khói bụi thì những chiếc xe đạp cổ lại mang đến cảm giác bình yên, thú vị cho những người chơi xe...
Vừa khỏe vừa vui
Ông Lương, một cán bộ về hưu ở quận 5, TPHCM cho biết từ ngày về hưu, ông ít khi có việc phải đi xa, chủ yếu là lui tới các câu lạc bộ dành cho người hưu trí ở phường nên rất ngại phải dắt chiếc xe máy nặng nề mỗi khi có việc. Do đó, ông quyết định mua một chiếc xe đạp để “vừa rèn luyện sức khỏe, vừa nhanh gọn mỗi khi cần đi lại”. Vốn là người trầm tính, ông Lương thích một chiếc xe đạp cổ để phù hợp với tính cách của mình, vừa muốn cảm nhận cái thú được sở hữu đồ cổ. Sau một hồi chọn lựa ở tiệm bán xe đạp cổ trên đường Lý Nam Đế, quận 11, ông quyết định chọn một chiếc xe đạp của Nhật từ thập niên 1990 với giá 5 triệu đồng. “Cũ nhưng chạy rất tốt, tiếng lách cách phát ra từ mỗi vòng xe nghe rất vui tai, khiến mình cảm nhận được nhịp đập đều đặn của cuộc sống”, ông Lương khoe.
“Ở Hà Nội, thú chơi xe đạp cổ đã phổ biến từ khá lâu nhưng Sài Gòn thì vẫn còn khá hiếm, dạo gần đây mới có nhiều người thích chơi “món” này”, ông Nguyễn Thành Danh, chủ tiệm xe đạp cổ Danh ở số 46, đường Lý Nam Đế, quận 11 cho biết.
Ông Danh, trước đây mưu sinh với nghề làm nhang. Trong suốt mười mấy năm qua, vừa làm nhang ông vừa đi săn lùng xe đạp cổ ở các địa phương, vài năm gần đây thì ông hay săn ở các diễn đàn trên mạng. Lúc đầu, ông sưu tầm xe chỉ để thỏa cái thú chơi đồ cổ, nhưng dạo gần đây, xe đạp cổ càng lúc càng nhiều và được xếp đầy trong căn nhà nhỏ, ông Danh mới tính đến chuyện rao bán lại cho những người muốn chơi thứ đồ cổ này. Ông cho biết, xe đạp mà ông sưu tầm chủ yếu là xe nhập từ Pháp, có mặt tại Việt Nam từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Ngoài xe đạp cổ của Pháp, ông còn sưu tầm xe đạp của Nhật từ thập niên 1980, 1990.
Theo anh Long, một người chơi xe đạp cổ ở quận 3, giá trị một chiếc xe đạp cổ phụ thuộc vào “tuổi đời” của xe, hiệu xe và những phụ tùng đi kèm. Đặc biệt, xe của Pháp có mặt tại Việt Nam khoảng 60-70 năm về trước thì có giá rất cao vì hầu hết đều do các hãng xe nổi tiếng sản xuất, chất lượng tốt và có nhiều nét độc đáo, tinh tế trong thiết kế .
Ông Danh cho biết có những chiếc xe đạp cổ của Pháp có giá cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Ông kể, thời đó một chiếc xe đạp “xịn” nhập từ Pháp về là cả một gia tài, có giá trị ngang một căn nhà. Bộ sưu tập của ông hiện có những chiếc xe đạp của Pháp có giá 10-70 triệu đồng/chiếc. Xe càng đắt thì độ “nguyên bản”, tức là ít thay thế phụ tùng càng cao; ngược lại, những chiếc rẻ hơn là do đã thay thế phụ tùng nhiều lần. Chẳng hạn, ông Danh có chiếc xe đạp “nguyên bản” hiệu Sauvage Paris, đời 1940 được ông rao bán với giá 60 triệu đồng. Hay chiếc xe đạp hiệu Peugeot có tuổi đời tương tự chiếc Sauvage Paris được bán với giá 45 triệu đồng. Nhưng cũng có những chiếc xe đạp cổ của Pháp có giá khá mềm, như chiếc Labor đã được thay thế khoảng 40% phụ tùng, chỉ khoảng 7 triệu đồng. Những chiếc xe đạp cổ của Nhật thì giá chỉ dao động trong khoảng 2-7 triệu đồng/chiếc, như chiếc xe hiệu BS đã thay thế khoảng 20-30% phụ tùng được ông bán với giá 3,5 triệu đồng.
Ngoài ra, trên các diễn đàn về xe đạp hiện nay, khá nhiều người rao bán những chiếc xe đạp cổ của Pháp với các nhãn hiệu nổi tiếng như Marila, Sterling, Mercier, Peugeot, Aviac… Anh Hà Long ở quận 1 đang rao bán một chiếc xe đạp hiệu Dyno của Mỹ, sản xuất từ những năm 1950-1960 được chế tác cách điệu theo hình chiếc lá, có hệ thống thắng nghịch với giá 13 triệu đồng. Ngoài ra, anh Long còn rao bán chiếc Labor của Pháp, sản xuất từ những năm 1920-1940 có đèn chiếu sáng bằng khí đá, thuộc loại hàng hiếm với giá 14 triệu đồng.
Mua xe 5-15 triệu đồng
Theo ông Danh, với những người có thú chơi xe đạp cổ thì việc bỏ ra một khoản tiền lớn để có một chiếc xe ưng ý không phải là chuyện đáng để bận tâm. Tuy nhiên, với những người có sở thích chơi xe cổ nhưng dùng vào mục đích đi lại hàng ngày như một phương tiện giao thông thì cần lưu ý đến chuyện tiền nong. “Một chiếc xe cổ với giá 5-15 triệu đồng là lựa chọn hợp lý nhất, phù hợp với túi tiền nhiều người”, ông Danh cho biết. Theo ông, với mức giá này, xe không còn nguyên bản như lúc xuất xưởng vì đã qua tay nhiều đời chủ, cùng với sự thay thế phụ tùng, nhưng nếu biết lựa chọn thì khách hàng hoàn toàn có thể mua được một chiếc xe với chất lượng tốt. Tuy nhiên, ông Danh cũng lưu ý, với các chợ xe trên mạng hiện nay thì các loại xe cổ được rao bán cũng đủ loại “thượng vàng hạ cám”. Người bình thường không rành về xe đạp sẽ rất khó phân biệt được đâu là xe cổ thật, đâu là xe giả cổ.
Theo ông, cái tâm của người bán xe đạp cổ là quan trọng nhất vì chính bản thân họ cũng là một người chơi và yêu xe đạp cổ. Do đó, những người buôn bán có lương tâm sẽ luôn muốn mang đến cho khách hàng những chiếc xe đạp cổ với chất lượng và giá cả phù hợp nhất.
Không chỉ mua một chiếc xe đạp cổ nguyên chiếc, khách hàng còn có thể mua từng bộ phận rời như khung, bánh xe và các loại phụ tùng như bàn đạp (pê-đan), đèn, dây xích… để yêu cầu các chủ tiệm lắp ráp thành một chiếc xe theo ý muốn với phong cách riêng. Tất nhiên, các loại phụ tùng này cũng được sưu tầm từ các xe đạp cổ có giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng mỗi chiếc, tùy loại và tùy vào nhãn hiệu.
Chẳng hạn, với phụ tùng xe đạp cổ Pháp, một cặp may-ơ có giá 350.000 đồng, một cặp pê-đan giá khoảng 400.000 đồng hay một bộ đèn giá 1,3 triệu đồng...
Ngoài ra, ông Danh cho rằng, việc tự tay sửa chữa khi xe bị hỏng hóc cũng là một trải nghiệm thú vị cho những người đam mê xe đạp cổ. Đồng thời, người chơi xe phải tự tìm các bộ phận của xe như từ khung xe, lốp cho đến từng con ốc vít sao cho đúng đời để lắp ráp… là những công việc không hề dễ dàng. Chẳng hạn, nếu lốp xe đạp cổ bị hư thì không thể dùng lốp xe mới để thay thế vì không phù hợp kích cỡ và kiểu dáng. Thành ra, mất đi cái thú chơi đồ cổ…
Mạnh Tùng