Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Vừa có hiệu lực, đã muốn sửa đổi

Mặc dù mới có hiệu lực từ ngày 20-6 và đang trong thời gian chờ thông tư hướng dẫn cụ thể, Nghị định 36/2014/NĐ-CP, ban hành ngày 29-4-2014, quy định về việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp thủy sản, cho rằng nghị định sẽ gây khó và chỉ làm thủ tục thêm rườm rà. Ngược lại, cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng quy định mới sẽ giúp chấn chỉnh và đưa lĩnh vực này phát triển trong thời gian tới.

Tác động trước mắt

Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến cho thông tư hướng dẫn Nghị định 36 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại TPHCM ngày 22-6 vừa qua, các doanh nghiệp thủy sản, thay vì đưa ra ý kiến góp ý, lại tạo ra áp lực với bộ nhằm sửa đổi nghị định này. Theo quy định mới, các doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra Việt Nam mới được xuất khẩu. Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, quy định này thực chất chỉ làm mất thêm thời gian của các bên chứ không giải quyết được vấn đề gì to lớn cả.

Theo quy định mới, các doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra mới được xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh
Theo quy định mới, các doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra mới được xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, cho biết hiện lộ trình xuất khẩu cá tra đã đủ rắc rối. Đầu tiên, doanh nghiệp phải được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) chứng nhận là lô hàng đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Sau đó, họ đăng ký với hãng tàu, hải quan. Nay theo quy định mới, việc họ phải đăng ký với hiệp hội của mình là thêm những thủ tục không cần thiết.

Một trong những quy định nhận được nhiều ý kiến tranh luận của doanh nghiệp là về quy định hàm lượng độ ẩm của sản phẩm cá tra. Nafiqad giải thích, Nghị định 36 đưa ra quy định hàm lượng độ ẩm là 83%, căn cứ trên những nghiên cứu cụ thể từ những sản phẩm chế biến từ cá tra giống như các nước khác.

Bà Nguyễn Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho rằng là một đơn vị sản xuất và kinh doanh xuất khẩu cá tra, công ty thấy rằng độ ẩm của sản phẩm cá tra đang sản xuất là khoảng 86%, nếu hạ xuống 83% sẽ kéo theo tăng giá thành. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng mua bán. Vì vậy, theo bà Lệ Khanh, cần có lộ trình thực hiện và để thị trường chấp nhận giá khi điều chỉnh độ ẩm mới.

Chiến lược lâu dài

Trước những ý kiến cho rằng quy định mới sẽ làm khó doanh nghiệp, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nói nghị định không làm khó doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra. Theo ông, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra nghị định có sự tham gia của hiệp hội ngành hàng để kiểm soát, quản lý toàn bộ chuỗi giá trị, từ yếu tố đầu vào, quy trình nuôi đến sản xuất-xuất khẩu; qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm cá tra.

Theo ông Tám, việc doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu với hiệp hội mục đích chính là để kiểm tra một lần nữa mỗi sản phẩm làm ra có đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm hay chưa. Bên cạnh đó, thông qua việc đăng ký này, cơ quan quản lý sẽ biết doanh nghiệp có ép giá người nuôi cá tra hay không.

Theo bộ, thời gian vừa qua lĩnh vực cá tra đã phát triển nóng, với số doanh nghiệp và diện tích nuôi tăng nhanh. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá thua lỗ, buộc phải chuyển sang nuôi mặt hàng thủy sản khác.

Ông Tám cho rằng, lâu nay, mặc dù không có đối thủ cạnh tranh, một mình một chợ, nhưng giá xuất khẩu cá tra Việt Nam liên tục giảm, còn người nuôi cá lại bỏ ao do thua lỗ. “Đã đến lúc ngành cá tra phải phát triển theo những điều kiện bắt buộc, và Nghị định 36 sẽ giúp giải quyết vấn đề này”, ông Tám nói.

Trong khi các doanh nghiệp lo ngại nghị định trên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Bộ NN&PTNT cho biết đã lường trước được vấn đề và chấp nhận giảm lượng cá tra xuất khẩu để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của ngành. “Khi soạn thảo nghị định, chúng tôi chấp nhận sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ giảm trong vài năm tới, và chấp nhận một số doanh nghiệp thủy sản sẽ ngưng hoạt động. Đổi lại, ngành cá tra sẽ đi vào ổn định và tăng trưởng trở lại”, ông Tám nói.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện ngành cá tra Việt Nam cũng lộn xộn giống như ngành cá hồi của Na Uy trước đây. Mặc dù có thế mạnh về cá hồi nhưng nước này mỗi năm chỉ thu về khoảng 1 tỉ đô la Mỹ do tình trạng tranh mua tranh bán. Nhưng kể từ khi có quy định về sản xuất, xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 5 tỉ đô la Mỹ/năm. “Hy vọng ngành cá tra Việt Nam cũng sẽ phát triển như vậy khi nghị định có hiệu lực”, ông Tám nói.

Ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, nêu thực tế, mấy năm qua, giá bán cá tra thường thấp hơn giá thành. Đến lúc thu hoạch, doanh nghiệp cứ chần chừ không mua, rồi sau đó ép giá xuống, nông dân không còn cách nào khác là phải bán. Một khi doanh nghiệp mua cá nguyên liệu thấp, họ sẽ bán ra thấp để cạnh tranh với nhau. “Cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại”, ông Vàng nói. Ông cũng cùng quan điểm, cho rằng đã đến lúc phải chấp nhận sàng lọc lại để ngành cá tra phát triển ổn định, cho dù trước mắt sẽ có hộ dân treo ao và doanh nghiệp đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, cho rằng phải mất hơn bốn năm với nhiều cuộc họp mới xây dựng xong nghị định này. Những người soạn thảo đã cân nhắc những thiệt hơn khi đưa ra những điều khoản bắt buộc doanh nghiệp áp dụng. Có thể khi đi vào thực tế, một số điểm chưa phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng trước mắt cần áp dụng, chỗ nào chưa phù hợp sẽ điều chỉnh lại sau.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối