LÊ ANH -
Những cơn mưa đầu mùa đang là phép thử cho các chương trình chống ngập của hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM. Khoảng 2.000 tỉ đồng là số tiền TPHCM dự tính chi cho việc chống ngập năm 2016. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ám ảnh cảnh đường biến thành sông, nhất là khi thấy người Hà Nội phải bì bõm lội nước ngập sau cơn mưa vừa qua.
Vừa làm vừa tìm vốn
Con đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) ngập trong nước sau cơn mưa ngày 18-5 vừa qua. Ảnh: Thành Hoa
Trận mưa lớn kéo dài từ đêm 24 đến sáng ngày 25-5, với lượng mưa hơn 200 mm, đã nhấn chìm nhiều tuyến đường của Hà Nội dưới hơn nửa mét nước. Giao thông hỗn loạn, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn chỉ vì một cơn mưa. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội bị ngập nặng như vậy. Năm 2008, thành phố này cũng đón trận mưa lớn và cũng đã chứng kiến cảnh ngập nước kéo dài tương tự.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều công trình chống ngập tại Hà Nội đã được xây dựng, song cũng với lượng mưa tương tự như năm 2008 tình trạng ngập vẫn diễn ra, dường như chưa cải thiện được bao nhiêu. Tình trạng ngập lụt tại các đô thị lớn đang là một bài toán nan giải cho chính quyền các địa phương. Mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng đã được chi ra để xây dựng các dự án chống ngập, song hiệu quả mang lại chưa nhiều.
Trước tình cảnh đó, nhiều người dân tại TPHCM đang bước vào mùa mưa năm nay với tâm trạng lo âu, không biết liệu sẽ còn phải dắt xe dưới dòng nước mưa kết hợp triều cường. Theo tài liệu báo cáo Thành ủy TPHCM của Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố tại cuộc họp ngày 24-5 vừa qua, trong khoảng ba năm qua lượng mưa tăng cả về tần suất và lượng mưa. Đặc biệt năm 2013 và 2014 mưa kéo dài trong 60 phút, vũ lượng kế ghi nhận ở mức 122 mm. Trong năm năm, 2011-2015, đã có 79 lần triều cường đạt đỉnh, lên đến mức 1,68 m, mức cao nhất trong hàng chục năm qua.
Trước đây, TPHCM chỉ được quy hoạch cho quy mô dân số khoảng hai triệu người. Vì vậy, hệ thống thoát nước cũng được quy hoạch và thiết kế tương ứng với quy mô dân số đó. Tuy nhiên, dân số hiện nay của thành phố đã tăng gấp năm lần so với quy hoạch cũ, lên đến 10 triệu người, chưa tính dân số vãng lai. Tương ứng với đó là lượng nước thải cũng tăng lên gấp năm lần. Dân số tăng nhanh, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời, nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước.
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, trong giai đoạn từ năm 2016-2020 thành phố cần 97.298 tỉ đồng để chống ngập. Trong đó đã xác định được nguồn vốn và một số dự án đang thi công với tổng số vốn là 22.948 tỉ đồng. Như vậy, để giải quyết hết ngập TPHCM vẫn còn thiếu 74.350 tỉ đồng.
Hiện tại, TPHCM đang rục rịch triển khai hai dự án chống ngập lớn. Dự án thứ nhất ở khu vực phía Nam thuộc huyện Nhà Bè và quận 7 nhằm giảm ngập do triều cường. Chính quyền thành phố đã chấp thuận cho một nhà đầu tư xây dựng sáu cống kiểm soát triều cường, gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Đồng thời, 68 cống nhỏ dưới đê và 7,8 km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cũng được xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư 9.926 tỉ đồng, nhà đầu tư được thành phố trả bằng quỹ đất. Dự kiến khi hoàn thành, khu vực này không chỉ giảm ngập cho khu vực phía Nam mà còn giúp thoát nước cho cả các quận trung tâm thành phố.
Dự án thứ hai nằm ở phía Bắc hay còn gọi là khu Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên. Tuy nhiên, dự án này hiện nay vẫn đang nằm chờ vốn đầu tư. Ước tính để nạo vét kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên với chiều dài 32 km để giải quyết ngập cho lưu vực 14.500 ha thì cần số vốn đầu tư 29.442 tỉ đồng. Chính quyền TPHCM dự tính sẽ vay vốn ODA để làm dự án này, và kỳ vọng dự án khi hoàn thành sẽ giảm ngập cho các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Khó hết ngập ngay
Cập nhật về tình hình các tuyến đường còn bị ngập, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng thoát nước của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, cho biết tính đến đầu năm 2016, thành phố còn 17 tuyến đường thường bị ngập nước, trong đó có năm tuyến thuộc vùng trung tâm. Hai tuyến đường thường bị ngập nặng là đường Lương Đình Của (quận 2) và Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Các tuyến đường còn lại bị ngập nhẹ như Nguyễn Văn Hưởng, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, tỉnh lộ 10.
Theo ông Long, hiện nay trong tổng số 56 dự án chống ngập, có 8 công trình đã thi công xong từ năm 2015, 12 công trình dự kiến hoàn thành năm 2016, 3 công trình hoàn thành năm 2017. Những dự án còn lại sẽ hoàn thành vào những năm tiếp theo. Một số dự án khi hoàn thành vào năm 2016 sẽ giảm ngập cho nhiều khu vực, trong đó có đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc), một số khu vực dọc hai bờ kênh Đồng Tiến, kênh Tham Lương-Bến Cát thuộc quận 12.
Ông Long cho biết, có thể đến năm 2018 mới giải quyết dứt điểm hết những điểm ngập nặng sau những trận mưa lớn như đường Nguyễn Văn Quá, Kinh Dương Vương, Mễ Cốc, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Đồng…
Mặc dù chính quyền TPHCM đã đề ra mục tiêu giải quyết ngập trong vài năm tới nhưng theo đánh giá của PGS.TS. Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM), để làm được 400 km cống thoát nước chống ngập thì phải mất khoảng 15 năm, và thêm 15 năm nữa để hoàn thiện hạ tầng còn lại, nghĩa là sẽ mất khoảng 30 năm.
Vị chuyên gia này cho rằng, với số vốn đầu tư lớn ngân sách chưa thể đáp ứng, vốn vay ODA ngày càng giảm dần, trong khi việc thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư chưa nhiều bởi không còn quỹ đất hoàn vốn thì việc giải quyết ngập trong vòng vài năm tới là rất khó.