Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Vùng Mê Kông xem du lịch bền vững dựa vào cộng đồng là chìa khóa để phục hồi

Các chính sách, quy định và đầu tư nhằm đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch cần tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và áp dụng các thực tiễn điều hành cũng như đa dạng hóa thân thiện với môi trường.
Các chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 (MTF) diễn ra hôm 12-10, tại Khu nghỉ dưỡng Hoiana Resort & Golf, tỉnh Quảng Nam, với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch”. Ảnh: Nhân Tâm

Những giải pháp này đều cần phải xoay quanh trục cộng đồng địa phương nơi phát triển du lịch – một xu hướng tất yếu sau dịch và đặc biệt hữu ích tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (hay còn gọi GMS). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch cộng đồng phải xác định tư tưởng đặt lợi ích chung và sinh kế của cộng đồng địa phương lên trên lợi nhuận của chính mình. Có như vậy thì du lịch vùng GMS mới có khả năng chống chịu và phát triển du lịch bền vững.

Những ý kiến trên được ghi nhận tại Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 (MTF) diễn ra hôm 12-10, tại Khu nghỉ dưỡng Hoiana Resort & Golf, tỉnh Quảng Nam, với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch”.

Theo bà Suvimol Thanasarakij, Giám đốc điều hành của Văn phòng Điều phối du lịch Mê Kông, khả năng chống chịu bền bỉ cần được tăng cường cho du lịch tại các quốc gia trong vùng GMS nhắm tránh lặp lại những vấn đề cố hữu của du lịch trước dịch như du lịch ào ạt, phụ thuộc vào một vài thị trường hay tác động tiêu cực đến môi trường. “Du lịch bền vững, phát triển cùng với cộng đồng địa phương sẽ có ích”, bà Thanasarakij nói và chia sẻ cần có những công cụ để thúc đầy hợp tác loại hình du lịch này giữa chính quyền, truyền thông, người dân và doanh nghiệp tư nhân.

Có quan điểm tương đồng, bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA), gợi ý các quốc gia vùng GMS cần phát triển những cộng đồng, điềm đến ưu tiên mô hình sản phẩm dịch vụ ứng phó biến đổi khí hậu, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và du khách. “Chúng ta phải làm sao cung cấp dịch vụ mang tính nhân văn, tương tác với khách hàng. Chúng ta cũng nói nhiều về du lịch sáng tạo, nhưng hãy xem đây là hoạt động du lịch dựa trên di sản, bảo tồn mới phát triển bền vững”, bà Ortiguera chia sẻ.

“Cứ không phải có ý thức là hành động được ngay mà phải cần có hướng dẫn”, ông Wouter Schalken, chuyên viên cao cấp về du lịch bền vững của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói về vấn đề xoay chuyển làm du lịch bền vững dựa vào cộng đồng. Theo ông, cần chỉ cho doanh nghiệp và cộng đồng thấy được rằng bền vững sẽ tạo ra chi phí thấp, hạn chế rủi ro, cổ vũ xu hướng xây dựng xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả, tuần hoàn và hạn chế rác.

Đứng trên quan điểm doanh nghiệp, bà Duangmala Phommavong, từ công ty EXO Travel Lào, cho hay sau dịch công ty của bà học hỏi rất nhiều từ mô hình làm du lịch với cộng đồng. “Để thành công bạn cần phải làm cùng với mọi người, có sự tham gia của các bên liên quan”, bà Phommavong nói và cho biết thêm công ty hiện nay tập trung quảng bá giá trị môi trường, cộng đồng xã hội.

Trong khi đó, bà Sok Sophea, Quản lý chương trình khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Planeterra – một doanh nghiệp xã hội hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, gợi ý thực tế từ cách làm của công ty của mình. “Chúng tôi dành nhiều thời gian để làm việc với các cộng động địa phương để tìm hiểu và giúp họ cải thiện khả năng chống chịu, cải thiện sinh kế”, bà cho biết. “Chúng tôi không bao giờ đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Điều quan trọng là tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương và nhân rộng thành công các mô hình tại nhiều địa phương khác nhau”.

Các gian hàng tại Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 (MTF) đều giới thiệu các sản phẩm hướng tới du lịch bền vững dựa vào văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương. Ảnh: Nhân Tâm

Ông Thumanoon Parkoop, Giám đốc điều hành, Cục Quản lý các khu du lịch bền vững Thái Lan, đưa ra ví dụ khi vận hành các khu du lịch tại Thái Lan, chính quyền luôn truyền thông đến doanh nghiệp đầu tư rằng lợi nhuận không phải quan trọng nhất mà là tính bến vững trong hoạt động để giảm gánh nặng cho Chính phủ.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đề nghị tăng cường sự tham gia và hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng về việc làm tại địa phương. Ông cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của các chương trình nâng cao năng lực và chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao kỹ năng của các chuyên gia du lịch, đặc biệt trong việc phát triển xanh, tăng trưởng bền vững.

Tại sự kiện, Ban tổ chức cũng công bố Vương quốc Campuchia sẽ đăng cai Diễn đàn Du lịch Mê Kông tiếp theo từ ngày 16 đến ngày 20-3-2023 tại tỉnh Preah Sihanoukville với chủ đề “Suy nghĩ lại về khả năng phục hồi và số hóa”.

Khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) là vùng lãnh thổ bao gồm 6 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (gồm 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây) và Việt Nam, với diện tích 2,3 triệu km2, dân số khoảng 350 triệu người. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực GMS đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực tiểu vùng Mê Kông lần lượt mở cửa, vùng này đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế.

Nhân Tâm

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối