(SGTTO) - Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát cho phép ngành du lịch bắt đầu hoạt động trở lại. Các công ty lữ hành đồng loạt giới thiệu hàng loạt tour du lịch trong mùa thu đông.
Hoạt động của ngành du lịch đang có những chuyển biến tốt như có nhiều địa điểm du lịch mở cửa trở lại, tung ra các chương trình kích cầu du lịch ở từng địa phương, giới thiệu hàng loạt các sản phẩm du lịch với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn đang gặp khó khăn và lượng khách du lịch vẫn chưa tăng khả quan.
Đồng loạt giới thiệu tour mùa thu đông
VietSense Travel mở bán các tour mùa thu đông với mức giá từ 1,9 - 2,3 triệu đồng/khách, trong đó tập trung vào tour khám phá mùa lúa chín, ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Simacai (Lào Cai), khám phá mùa hoa cải trắng Mộc Châu (Sơn La)…
Flamingo Redtours chào bán các tour khám phá vẻ đẹp các tỉnh miền núi phía Bắc với mức giá từ 1,3 - 2,6 triệu đồng/người. Hanoitourist chào bán tour “Hà Nội mùa thu”, trải nghiệm khách sạn 5 sao Sofitel Legend Metropole Hanoi 3 ngày 2 đêm với giá từ 3,3 triệu đồng (giảm 50%).
Trong khi đó, Saigontourist Group đẩy mạnh tour Làng hoa Sa Đéc - Nhà cổ Huỳnh Lê với chi phí hơn 1 triệu đồng/khách. Cao Lãnh - Tràm Chim - Làng hoa Sa Đéc từ 1,879 triệu đồng/khách… Fiditour chào bán chùm tour Biệt động Sài Gòn giá từ 499.000 đồng/khách, tour Biệt động Sài Gòn - Đặc công rừng Sác (Cần Giờ) và tour TPHCM - Cần Đước (Cần Giuộc, Long An) - Gò Công từ 799.000 đồng/khách…
Vietravel đã giới thiệu khoảng 10 sản phẩm tour du lịch Combo TripU đến Phú Quốc và 14 sản phẩm tour du lịch Combo TripU đến TP Vũng Tàu.
Thông tin từ TST Tourist cho thấy đơn vị này sẽ tung ra thị trường những đường tour du lịch ngắn ngày và tour du lịch mùa thu với điểm đến chọn lọc, đáp ứng tiêu chí an toàn, phòng, chống dịch bệnh.
Sa Pa kích cầu du lịch sớm nhất ở miền Bắc
Thị xã Sa Pa (Lào Cai) là địa điểm triển khai sớm chương trình kích cầu du lịch mang tên “Mùa hè Sa Pa 2020” ở miền Bắc nói chung.
Có thể nói đây là lần đầu tiên một chương trình kích cầu du lịch rộng khắp được UBND thị xã Sa Pa phối hợp với Hiệp hội Du lịch Sa Pa tổ chức. Hơn 80 doanh nghiệp du lịch tại Sa Pa, từ nhà hàng đến các khách sạn, homestay, hãng xe du lịch trên địa bàn thị xã, các điểm đến tham quan du lịch đều thực hiện giảm giá dịch vụ 30 - 60%.
Sa Pa còn xây dựng và phát triển các hoạt động lễ hội như chương trình famtrip “Đến Sa Pa - bay giữa mùa hoa”, Sa Pa đón nhận kỷ lục “Thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam”, giải đua “Vó ngựa trên mây”, lễ hội hoa hồng và rượu vang Sa Pa.
Bên cạnh đó, Sa Pa cũng đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch trải nghiệm như giới thiệu phong cách kiến trúc tiêu biểu các dân tộc tại Sa Pa, các làng nghề truyền thống; trải nghiệm ruộng bậc thang và tắm lá thuốc của người Dao...
Du lịch Đà Nẵng vẫn chưa trở lại bình thường
Dù đã được mở cửa đón khách từ ngày 5-9 nhưng đến nay, số lượng các cơ sở lưu trú mở cửa trở lại chưa nhiều. Hiện mới chỉ có khoảng 10-15% khách sạn ở Đà Nẵng đã mở cửa hoạt động trở lại.
Ngoài các cơ sở lưu trú, hiện các khu, điểm du lịch đón khách tham quan đến nay chưa được mở cửa trở lại. Vì vậy, một số địa điểm du lịch trên địa bàn thành phố như Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn… vẫn đang chờ thông báo mới.
Các bảo tàng trên địa bàn thành phố bao gồm: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã mở cửa để phục vụ khách tham quan.
Tuy nhiên, tạm thời các bảo tàng này chỉ phục vụ trưng bày những hiện vật sẵn có, không có các buổi triển lãm chuyên đề mới. Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại dịch bệnh nên lượng khách đến bảo tàng vẫn chưa đông. Theo thông tin từ Bảo tàng Đà Nẵng, đơn vị này đang xây dựng các phương án phục vụ công chúng trong các tháng cuối năm như: triển lãm xe cổ, triển lãm cổ vật, ngày hội di sản Đà Nẵng...
Doanh nghiệp lữ hành vượt khó
Trong khi thị trường du lịch đang “đóng băng”, để duy trì hoạt động, nhiều công ty du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp tình thế như giảm bớt nhân sự, cho nhân viên nghỉ không lương, cắt giảm chi phí tối đa, thiết kế lại các tour cho phù hợp... Đặc biệt, với lợi thế là đơn vị khai thác du lịch, một số đơn vị lữ hành chuyển sang kinh doanh lĩnh vực nông sản vùng miền khá thành công.
Công ty Mr Linh’s Adventures là doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyên đón khách ở thị trường Âu, Mỹ, Úc, Anh, Đức, Pháp… Ngay từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên, công ty đã chuyển sang khai thác tour đi Ba Bể, Bắc Kạn cho thị trường khách nội địa. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh thêm mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch đặc trưng của Ba Bể và các tỉnh miền núi tại kênh bán hàng dacsanmiennui. Đây cũng là hành động thiết thực hưởng ứng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần chung tay giúp bà con vùng nông thôn miền núi xóa đói, giảm nghèo.
Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ lựa chọn kinh doanh đặc sản theo mùa, những đặc sản chỉ có ở Hà Giang. Thậm chí, nếu tình hình kinh doanh tour du lịch năm nay không khả quan, công ty dự tính chuyển hướng sang sản xuất nông sản với khu chế biến các sản phẩm củ cải khô, su hào khô… Theo thông tin từ đơn vị này, nguồn nguyên liệu sẵn có, giá rẻ từ địa phương và nhân công người bản địa là điều kiện thuận lợi để mở hợp tác xã nông sản, thu mua nguyên liệu.
Tương tự, Indochina Unique Tourist chuyển hướng đầu tư qua chuỗi coffee shop và ẩm thực. Vietcharmtour mở shop Vietcharm Food cung cấp trái cây, nông sản Ninh Thuận đảm bảo tiêu chuẩn Vietgap cho Hà Nội. Hanoi Tourism chuyển đổi văn phòng công ty sang bán cơm văn phòng…
Quỳnh Châu