Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Vượt qua sức ì sau kỳ nghỉ

Ai cũng trông chờ một kỳ nghỉ hoành tráng mà chẳng phải bận tâm điều gì. Không may là thực tế công việc bề bộn và sức ì hậu nghỉ phép đã khiến nhiều người bị ảnh hưởng nặng bởi sự căng thẳng.

Sau một kỳ nghỉ dài, nhiều người mong ước có bí quyết nào để giúp họ mau chóng thoát khỏi sức ì, tái hòa nhập với công việc một cách suôn sẻ. Câu trả lời là “Có!”. Chỉ cần trước khi xách ba lô lên và đi, bạn chịu khó dành thời gian chuẩn bị trước cho giai đoạn quay lại với đời sống hàng ngày. Dưới đây là 10 mẹo được tích cóp từ những người vẫn giữ được nụ cười tươi tắn và phong thái thong dong khi bước chân vào cơ quan sau kỳ nghỉ.

Lên danh sách việc đang làm trước khi nghỉ

 

Tạm biệt công sở cũng tức là chia tay những công việc bận rộn hàng ngày trong một thời gian ngắn. Niềm vui này sẽ càng thăng hoa nếu ngày đầu tiên trở lại công việc không bị đè bẹp bởi một mớ hỗn độn.

Muốn vậy, bạn nên chuẩn bị hai danh sách. Danh sách đầu tiên bao gồm mọi đầu việc mà bạn đang làm, kèm theo tình trạng tương ứng như dự thảo kế hoạch đang chờ phản hồi, dự án đang chờ nhận xét của khách hàng hay báo cáo sắp tới hạn chót nộp… Danh sách thứ hai ngắn hơn, trong đó là những ưu tiên mà bạn cần giải quyết ngay khi quay lại công việc.

Dĩ nhiên, ưu tiên có thể thay đổi tùy theo thực tế nhưng ít ra danh sách thứ hai này cũng giúp bạn có cơ hội lọc bớt danh sách dài thượt thứ nhất và loại bỏ các đầu việc không quá quan trọng. Nếu việc gì đó cứ nằm ì trong danh sách cần làm suốt 6 tháng mà bạn vẫn không có thời gian xử lý nó, đây là lúc cho nó “lên đường”.

Nhờ làm giúp những việc không thể chần chừ

Trong lúc bạn vi vu đâu đó trên thế giới, khách hàng đâu có nghỉ theo bạn. Họ vẫn muốn công việc trôi chảy, còn các báo cáo và hạn chót của riêng bạn cũng tuần tự kéo đến. Do đó, hãy đảm bảo là bạn đã giao phó từng nhiệm vụ khẩn cấp một cách rõ ràng và cung cấp đầy đủ thông tin để những đồng nghiệp nhận lời làm thay có thể xử lý hiệu quả. Đừng quên báo cho sếp biết ai đã đồng ý phụ trách những đầu việc bạn để lại, tránh tình trạng sếp làm ầm lên khi bạn vắng mặt.

Thiết lập tin nhắn email và hộp thư thoại khi đi nghỉ

Đừng đợi đến phút cuối cùng mới chuẩn bị bước này. Outlook, Gmail cho phép bạn soạn trước tin nhắn dành cho kỳ nghỉ và nhiều dịch vụ thư điện tử khác cũng có tính năng tương tự. Trong tin nhắn, nhớ nói rõ bạn có thể kiểm tra thư điện tử khi đang đi vắng hay không, kèm theo đó là một số liên lạc thay thế để xử lý những tình huống khẩn cấp.

Đề nghị sếp gửi thư điện tử cập nhật tình hình

Tùy mức độ quan hệ giữa bạn và cấp trên, bạn có thể nhờ sếp gửi thư điện tử cho mình trước khi hết hạn nghỉ phép với nội dung cập nhật tình hình công việc. Dĩ nhiên, nhận được tin nhắn từ sếp trong đó liệt kê những đầu việc, dù ngắn gọn thôi, là biện pháp tuyệt vời giúp bạn quay lại cơ quan một cách hiệu quả và tập trung. Ngay cả sếp thỉnh thoảng cũng cần ai đó nhắc việc nên tại sao bạn không thử soạn sẵn một thư điện tử có nội dung nhờ vả như trên và cài giờ để nó tự chuyển đi hai ngày trước khi bạn dự kiến quay về.

Trình diện sếp ngay trong sáng đầu tiên trở lại làm việc là một phương án hữu hiệu khác. Có thể cuộc gặp sẽ chóng vánh thôi nhưng như thế là đủ để bạn nhận ra những nhiệm vụ quan trọng nhất và khẩn trương bắt tay vào xử lý. Thời buổi này ai cũng bận rộn nên tốt nhất là bạn “đặt chỗ” sẵn trên lịch làm việc của sếp từ trước khi bạn “ngắt kết nối” đi nghỉ.

Dọn dẹp trước khi đi nghỉ

Dọn cả ở chỗ làm lẫn ở nhà nhé! Tại cơ quan, nhớ sắp xếp lại các hợp đồng còn vương vãi, thu dọn đống giấy ghi chú dán chi chít trên mặt bàn và lọc bớt thư từ. Làm vậy không chỉ giúp bạn có góc làm việc gọn gàng ngày quay lại mà sâu xa hơn, bạn sẽ có bước tái khởi động êm xuôi. Đây cũng là cách hay để đảm bảo bạn đã ủy thác đầy đủ mọi công việc cần giải quyết gấp.

Ở nhà thì sao? Hãy dành hẳn một giờ để lập lại trật tự mọi thứ, dù lúc này bộ não của bạn đã nhanh nhảu chuyển sang chế độ đi nghỉ từ bao giờ, khiến bạn khó lòng tập trung vào nhịp điệu hàng ngày. Đổ rác, làm vệ sinh tủ lạnh, hút bụi… và thậm chí là trữ sẵn mấy món ăn vặt để được lâu ngày. Chuẩn bị như vậy thì sau kỳ nghỉ bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thảnh thơi, nhất là khi phải lục lọi nhà bếp tìm đồ ăn lót bụng giữa đêm nếu bị mất ngủ do lệch múi giờ chẳng hạn.

Có một ngày “đệm”

Nếu được, bạn hãy dùng ngày nghỉ phép cuối cùng làm ngày “đệm” trước khi trở lại làm việc. Nghe có vẻ phí phạm khi dùng ngày nghỉ chỉ để quanh quẩn trong nhà nhưng về mặt tâm lý, ngày “đệm” này sẽ tạo đà cho bạn quay về vùi đầu trong núi công việc với áp lực tối thiểu. Trong ngày “đệm”, bạn có thể giặt giũ, mua thực phẩm, lên kế hoạch nấu nướng trong tuần và tranh thủ ngủ lấy sức. Toàn những việc “tầm thường” nhưng đó lại chính là cách giúp bạn trở lại công việc suôn sẻ.

Kiểm tra lịch làm việc

Trước ngày quay lại chỗ làm, đừng quên kiểm tra lịch làm việc để khỏi bỡ ngỡ trước những cuộc họp đang xếp hàng chờ bạn. Xem xét từng cuộc một để xem bạn cần chuẩn bị trước những gì, hoặc cân nhắc xem bạn có thể đề xuất hoãn họp để có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

(Lại) dọn bàn khi trở về

Ngay cả khi bạn đã dọn dẹp trước ngày nghỉ phép, chiếc bàn làm việc vẫn có thể xuất hiện với cả đống báo cáo ê hề, thư từ chưa bóc và giấy ghi chú mà đồng nghiệp dán lên. Hãy dành ra vài phút để phân loại mọi thứ, lọc lại các giấy tờ quan trọng và cho vào thùng rác những báo cáo không còn giá trị sử dụng. Quá trình dọn dẹp này sẽ đưa bạn quay lại guồng công việc.

Tiếp tục “tàng hình”

Khỏi phải đoán già đoán non, sếp chắc chắn biết bạn đã quay về và đang đợi các báo cáo gấp từ bạn. Nhưng cứ im lìm trong 1-2 ngày đầu cũng không hại gì cả. Duy trì chế độ “tàng hình” này tạo cơ hội cho bạn bắt kịp nhịp làm việc mà không phải chịu thêm áp lực.

Đừng vội tập luyện trở lại

Thể xác và tinh thần của bạn đã chịu quá đủ căng thẳng từ chuyện đi lại bằng máy bay, thay đổi múi giờ, đồ ăn mới lạ và các kiểu hoạt động khác với ngày thường. Do đó, đừng tự hành hạ mình thêm bằng cách vội vàng quay lại các bài tập thể dục nặng nề hay thay đổi chế độ ăn uống chóng mặt. Dù cảm thấy bản thân đã được nuông chiều quá đà trong kỳ nghỉ, bạn đừng sốt sắng với việc sớm đăng ký tập thể dục theo hướng khổ luyện. Thay vào đó, hãy làm nóng bằng vài lớp yoga, bơi lội hoặc một lộ trình tập luyện dễ thở hơn.

Tóm lại, bí quyết để giữ tinh thần tỉnh táo và minh mẫn sau kỳ nghỉ nằm ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khả năng chuẩn bị khéo léo và chọn lựa thứ tự ưu tiên phù hợp. Thêm nữa, dù sức ép nặng nề đến đâu và công việc cấp bách cỡ nào, hãy cố gắng rời chỗ làm đúng giờ. Nghỉ phép đâu có nghĩa làm phải làm việc thêm giờ sau đó. Đừng quên dành thời gian thư giãn và làm những thứ mình thích, có như vậy thì ích lợi của kỳ nghỉ mới tác động tốt tới bạn lâu dài.

Duy An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối