Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Vượt sức chịu đựng

Ban Cao-

Nhà ở là nhu cầu bức thiết của nhiều người tại các thành phố lớn như TPHCM. Chỉ có điều, hiện nay giá bán của loại hàng hóa này đang nằm ngoài tầm với của nhiều người. Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), giá nhà ở Việt Nam cao quá sức chịu đựng đối với đại bộ phận người lao động có mức thu nhập trung bình.

Theo HoREA, trong số 13 triệu người sống ở TPHCM có khoảng 3 triệu người nhập cư. Số lượng sinh viên học tập tại đô thị này khoảng 400.000 người, còn số công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp cũng khoảng 402.000 người. Ước tính mỗi năm thành phố có khoảng 50.000 cặp đôi kết hôn.

Một khảo sát của Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng cho thấy hiện nay thành phố có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở.

Điều này có nghĩa nhu cầu về nhà ở của người dân rất cao, phần lớn tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại vừa túi tiền. Thế nhưng phân khúc này luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Điều đáng nói là nguồn cung nhà ở này không những không đáp ứng đủ mà còn có giá ngoài tầm với của người dân. HoREA tính toán, giá căn hộ bình dân đang cao gấp 20-25 lần thu nhập trung bình của người có thu nhập thấp. Ước tính, một người có thu nhập trung bình phải tiết kiệm 17 năm mới có thể mua căn hộ loại bình dân.

Một nghiên cứu của Công ty Numbeo cho thấy, giá nhà hiện nay ở Việt Nam đã cao gấp 25 lần thu nhập trung bình của người dân. Trong giai đoạn 2011-2016, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập đã tăng bình quân 23% mỗi năm. Trong khi đó, giá nhà so với thu nhập trung bình tại các nước trong khu vực thấp hơn. Tại Malaysia chỉ số này là 7,65, Nhật Bản là 12,61, Hàn Quốc là 13,4, Philippines là 15,87, Thái Lan là 20,39, Singapore là 21,42.

Theo nhiều doanh nghiệp địa ốc, giá bất động sản cao xuất phát từ các nguyên nhân như giá đất đắt đỏ, các loại thuế về đất đai cao và cách thu chưa hợp lý. Đặc biệt, thủ tục làm các dự án bất động sản phức tạp, thời gian kéo dài dẫn đến chi phí lớn.

Một số doanh nghiệp cho rằng nếu thủ tục cấp phép đầu tư dự án kéo dài thêm một năm thì chi phí doanh nghiệp sẽ tăng thêm 5%. Những khoản chi phí tăng thêm này được tính hết vào giá bán mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.

Trong điều kiện thu nhập chưa được cải thiện đáng kể và quỹ đất có giới hạn, có thể trong 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng số người dân không có nhà tăng lên, kéo theo đó là những hệ lụy lớn về mặt xã hội như hình thành khu ổ chuột, tranh chấp, chiếm dụng đất đai, nhà ở.

Do vậy, để người dân có nhà ở không thể không làm rõ hiệu quả quản lý nhà nước trong việc đưa ra các chính sách điều tiết thị trường, cắt giảm chi phí thủ tục hành chính, giúp hạ giá nhà, đồng thời, tạo lập nguồn nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ cho người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối