Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Xả rác rồi sống chung với rác!

TÙNG LÊ-VĂN NAM -

Mặc dù chính quyền TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉnh trang đô thị và môi trường sống thông qua việc nạo vét kênh rạch và ngăn chặn ô nhiễm từ các bãi rác thải tự phát, thế nhưng, nỗ lực đó đang bị cản trở bởi chính ý thức của một bộ phận người dân.

Bạ đâu xả đó

Từ lâu, công viên 30-4 nằm bên cạnh Nhà thờ Đức Bà (quận 1, TPHCM) là nơi nhiều người trẻ tụ tập, gặp gỡ cuối tuần. Những bạn trẻ thường gọi công viên này là quán “cà phê bệt”. Chỉ cần trải một tờ báo trên lối đi là mỗi người có một chỗ ngồi để hàn huyên với bạn bè.

rac2
Rác vẫn ngập tràn ngay tại nơi treo bảng cấm đổ rác. Ảnh: Văn Nam

Trời về khuya, các nhóm bạn trẻ tản bộ ra về, công viên vắng dần, lúc đó mới lộ ra những mảng trống với những bãi rác nhỏ, từ giấy báo vo viên đến ly nhựa hay lon nước ngọt… Ở các thùng rác xung quanh, rác cũng ứ lên tận miệng, rơi vãi tứ tung.

Chị Hoa Trang, một người thường xuyên ra “cà phê bệt”, cho biết nhiều nhóm bạn trẻ khi đứng lên ra về vô tư để nguyên giấy báo, ly nước vương vãi trên các lối đi. Sáng hôm sau, công viên lại trở nên sạch sẽ, tinh tươm là nhờ công nhân vệ sinh đã dọn dẹp trong đêm đó. Điều đáng nói là rác vẫn cứ xuất hiện vào mỗi tối, từ ngày này qua ngày khác, mà nguyên nhân là ý thức của nhiều người chưa cao.

Mỗi buổi sáng, dọc đường Điện Biên Phủ, từ quận Bình Thạnh hướng về quận 1, có hàng chục xe hàng rong bán đồ ăn, trái cây. Từ những xe hàng rong này, các loại rác, từ khăn giấy đến vỏ trái cây, thức ăn thừa vương vãi trên vỉa hè, trông khá nhếch nhác. Không riêng gì tuyến đường này, nhiều con đường khác như Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, đoạn trước bến xe miền Đông), Võ Văn Tần (quận 3), Nguyễn Chí Thanh (quận 5)… cũng bị các hộ dân chiếm dụng vỉa hè để bán đồ ăn. Nước thải được các hộ dân trên đổ thẳng ra đường hoặc các cống thoát nước, bốc mùi hôi và đầy ruồi nhặng.

Tại các bệnh viện, tình hình cũng chẳng khá hơn. Trước các cổng bệnh viện như Ung bướu (quận Bình Thạnh), Chợ Rẫy (quận 5), Đa khoa khu vực Thủ Đức (quận Thủ Đức)…, việc buôn bán hàng rong với rác thải khá bừa bãi. Chẳng hạn, trước Bệnh viện Hùng Vương trên đường Lý Thường Kiệt và Hồng Bàng, hàng chục điểm bán hàng rong đồ ăn uống dọc theo vỉa hè. Kèm theo đó là các đống rác nhỏ rải rác khắp các vệ đường.

[box type="download"] Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trước đây thành phố có 50 trạm trung chuyển rác tại các khu dân cư. Do nhiều trạm trung chuyển không có giải pháp xử lý rác thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường nên chính quyền thành phố đã lên kế hoạch giảm số lượng trạm trung chuyển xuống còn 13 trạm, rác thải từ các khu dân cư sẽ được vận chuyển trực tiếp đến các khu xử lý rác tập trung.

Chính quyền thành phố đã đưa ra kế hoạch sẽ chỉ duy trì hoạt động các trạm trung chuyển rác thải nằm rải rác trong các khu dân cư đến năm 2020, sau đó sẽ không còn mô hình trạm trung chuyển nữa mà rác thải sẽ được chở trực tiếp từ khu dân cư về các khu xử lý.

Điều đáng lo nhất hiện nay là dù cho có trạm trung chuyển rác thải nhưng vẫn còn nhiều khu vực dân cư, đặc biệt nhiều con đường khu vực ngoại thành vẫn được người dân sử dụng làm nơi đổ rác công cộng. Rác thải để lâu ngày không được thu gom, xử lý đúng cách làm phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.[/box]

Đi xa hơn khu vực trung tâm thành phố, tình trạng xả rác bừa bãi của người dân càng phổ biến hơn. Dọc hai bên xa lộ Hà Nội, đoạn gần khu du lịch Suối Tiên, dưới mỗi tấm tôn chắn các công trình, rác xếp thành hàng dài, thậm chí còn lấn ra làn đường dành cho xe máy.

Ông Vũ, người chạy xe ôm ở khu vực này, cho biết ông thường xuyên chứng kiến cảnh những người đi đường hoặc những người đi chơi Suối Tiên quăng những chai nước, lon nước hoặc những bao bì nylon đựng rác vào đây. “Ngày nào cũng có người dọn nhưng chỉ qua buổi sáng là rác lại ngập”, ông Vũ cho biết.

Còn trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ trường Đại học Nông lâm TPHCM về ngã tư An Sương, không khó để chứng kiến những bãi rác tự phát dọc hai bên đường. Nhiều bãi rác lại mọc lên gần các trạm chờ xe buýt nên hành khách lãnh đủ mỗi khi trời nắng, mùi hôi thối từ rác bốc lên nồng nặc. Ngay cả đại lộ Phạm Văn Đồng, một tuyến đường đẹp, khang trang được đưa vào sử dụng mới đây cũng đang trở nên nhếch nhác bởi rác thải từ các quán ăn tự phát mọc lên hai bên đường.

Ngổn ngang kênh rạch

Nếu như rác thải trên các tuyến đường xuất phát từ sự thiếu ý thức của người bán hàng rong, thực khách và cả người đi đường, thì rác thải dọc các bờ kênh lại xuất phát từ chính những người dân sống xung quanh.

Hơn chục năm nay, nhiều đoạn trên kênh thủy lợi ở tỉnh lộ 10, đoạn từ cầu Bà Hom đến cầu Tân Tạo thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân chật cứng rác thải sinh hoạt và rác từ các cơ sở sản xuất. Ở dưới chân cầu Tân Tạo phát sinh hàng chục bãi rác tự phát do người dân sống xung quanh vứt ra. Cách đó không xa, đoạn kênh dưới chân cầu Dân Sinh thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng ngổn ngang rác thải, từ rác sinh hoạt, phế liệu dệt may đến xác động vật… mặc dù cách bãi rác này chừng mười bước chân là biển “cấm chôn lấp, đổ, thải và đốt rác, phế liệu gây ô nhiễm môi trường” của UBND xã Vĩnh Lộc B.

[box type="download"] Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 7.200 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác hữu cơ chiếm 82%. Rác thải được thu gom và vận chuyển về xử lý tại các khu xử lý chất thải Đa Phước (Bình Chánh), bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp, khu xử lý chất thải Vietstar và khu xử lý chất thải Tâm Sinh Nghĩa (Củ Chi).

Theo quy hoạch về xử lý chất thải rắn tại TPHCM, dự kiến đến năm 2020 rác thải sinh hoạt của thành phố phải được xử lý theo tỷ lệ 40% làm phân compost (vi sinh), 30% đốt rác phát điện, 20% chôn lấp hợp vệ sinh và 10% tái chế. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp chiếm đến 75% bởi các dự án đốt rác phát điện hay tái chế rác thải vẫn chưa được đầu tư. Vài năm gần đây đã có một số nhà đầu tư đến TPHCM xin đầu tư dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện như Hitachi Zosen (Nhật Bản), Hansol (Hàn Quốc)… nhưng đến giờ vẫn chưa có dự án nào triển khai.[/box]

Ông Võ Văn Mai, một người dân sống ở khu vực này cho biết, vào các buổi trưa nắng gắt, đi qua các đoạn kênh này đều phải bịt mũi vì mùi hôi bốc lên nồng nặc. Ngoài việc các cơ sở sản xuất đổ trộm phế liệu sản xuất, không ít người dân cũng vô ý thức khi ném các bao nylon rác vào những chỗ này. Trên các con kênh, rạch, rác vẫn trôi lềnh bềnh vì sự thiếu ý thức của người dân.

Con rạch trên đường Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh) hiện đã được làm rào chắn xung quanh, nhưng tình trạng vứt rác xuống lòng rạch vẫn diễn ra. Rác ứ đọng thành từng mảng dày trên dòng nước đen ngòm. Một người dân sống ven rạch này cho biết, rác ứ đọng trên dòng nước một phần là do người sống quanh đây vứt xuống, một phần là từ nơi khác trôi về. Cả chục năm nay, nhiều hộ dân đã quen sống với mùi rác, nên cũng tự xem đây như một nơi…đổ rác, thay vì gom rác thải đúng nơi quy định.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối