Minh Duy -
Nếu Việt Nam không được thiên nhiên ban tặng cho hàng ngàn ki lô mét bờ biển cùng vô số danh lam thắng cảnh trải dài từ Bắc vào Nam thì du lịch có gì hấp dẫn để níu chân du khách? Liệu có cách làm du lịch nào khác không, hay chỉ mãi ăn mòn vào tự nhiên?
Quay về thiên nhiên
“Chị thấy mấy chục gốc thanh long mới nhú cành đằng kia không? Tụi tui mới trồng đó, không bao lâu nữa là có trái”, Nguyễn Phong, Phó tổng giám đốc của Mekong Riverside Boutique Resort & Spa, nói về việc trồng cây trong resort. Người nhễ nhại mồ hôi, ông Phong chỉ khu đất đang lên liếp đằng xa: “Chỗ đó cũng trồng thanh long, mướp, bầu, bí và cả hoa trái… Ít bữa nữa sẽ có cây cầu tre bắc ngang cho khách đi từ liếp này sang liếp khác ngắm cây, hái trái. À, còn đám đất ở mé có lục bình đằng kia sẽ cải tạo lại để nuôi thêm cá”.
“Rồi chỗ nào sẽ xây thêm phòng?” tôi hỏi. “Không đâu, xây thêm làm gì. Về đây mà lại thấy bê tông thì chán lắm”, ông Phong cười thoải mái dưới cái nắng trưa như đổ lửa. Cuộc trò chuyện cứ rôm rả mãi về chủ đề đó, cứ như đang bàn chuyện trồng rau, nuôi cá cho mảnh vườn nhỏ của một gia đình nào đó chứ không phải là cho một resort đắt đỏ. Một đêm nghỉ trong bungalow có cửa sổ nhìn ra nhánh sông Mê Kông huyền thoại có giá đến vài trăm đô la Mỹ.
Phong có vóc người hơi gầy, còn trẻ và tràn đầy năng lượng khi nói về quá trình triển khai ý tưởng đầu tư đầy lãng mạn, nhưng cũng mang tính đột phá của một nhà đầu tư muốn biến khu đất không mang lại giá trị cao về kinh tế tại vùng quê heo hút ở Tiền Giang thành một nơi nghỉ dưỡng đáng mơ ước của du khách.
Tám năm trước, mảnh đất rộng 7 ha này chỉ là vườn nhãn già, ít trái cùng những giề lục bình phủ kín mặt nước. Lúc đó, một nhóm nhà đầu tư, với nhân vật chính là ông Phan Xuân Anh, doanh nghiệp nổi tiếng trong mảng du lịch tàu biển ở Việt Nam, đến bày tỏ ý định phát triển mô hình boutique resort (khu nghỉ dưỡng quy mô nhỏ) tại đây.
Với boutique resort, nhà đầu tư sẽ xây dựng ít, cảnh quan nhiều và dùng thực phẩm organic (hữu cơ) hoàn toàn. Cả khu resort chỉ có 50 bungalow, diện tích đất còn lại dùng để tạo cảnh quan, trồng cây ăn trái, trồng hoa. Những con rạch được khơi thông dòng chảy để nuôi cá. Rau trái trong vườn không dùng phân hóa học hay thuốc trừ sâu để chăm bón mà dùng phân bón hữu cơ.
Du khách đến đây, mùa nào thức ấy, sẽ được ăn trái chín trong vườn, được thử món gỏi làm từ hoa chuối vừa hái xuống, được nếm miếng thơm chua chua, ngọt ngọt vừa chín tới và nhìn ngắm những món đồ ăn gói bằng lá chuối, lá sen. Nếu khách thích, có thể ra vườn hái rau, vớt cá rồi nhờ đầu bếp làm cho vài món thơm lừng để nhâm nhi trước cửa phòng nhìn ghe xuồng ngược xuôi trước mặt hay ngắm đám lục bình nở bông tím loang cả một vạt sông. Buổi sáng cao hứng có thể nhờ ghe đi chợ, thăm thú cách người dân buôn bán phía bên kia sông hay leo lên xe đạp đi lòng vòng, tận hưởng cảnh yên bình của vùng quê miền sông nước.
Ở một nơi khác, trên cao nguyên Đắk Lắk, một doanh nghiệp cũng vừa phát triển một resort mang tên Lak Tended Camp, cũng mang đầy hơi thở của tự nhiên. Cả khu đất rộng gần 5 ha chỉ có 15 cái lều và bốn bungalow xây dựng trên những triền đồi. Mỗi sáng thức dậy, khách có thể thấy những vạt nắng lung linh, phản chiếu trên mặt hồ tự nhiên, được hít hà làn gió trong lành dưới những tán cây, được dùng bữa ngon lành với rau sạch trong vườn rồi thong dong đi tour thăm thú buôn làng hay vận động bằng vài vòng chèo thuyền kayak ngay trong khu du lịch.
Rồi ở phía bắc cũng có một công ty làm du lịch khá lạ, chỉ mới vài năm thôi mà đã tạo nên tiếng tăm trong ngành. CTB Travel, tên của công ty, chỉ chuyên làm du lịch homestay. Với sự tư vấn và chung tay của doanh nghiệp này, những hộ dân ở các bản làng xa xôi tận Mai Châu ở Hòa Bình, Sơn La, Nghĩa Lộ ở Yên Bái, Bát Xát ở Lào Cai hay đồng bào dân tộc miền núi của Quảng Nam có thể mở cửa đón du khách từ muôn phương nhưng vẫn giữ được nét văn hóa hồn hậu, đặc sắc từ nhiều đời. Khách từ phương xa không còn “cưỡi ngựa xem hoa” nữa mà được tiếp cận một cách gần gũi nhất với đời sống thường nhật của người dân. Du khách được thỏa mãn niềm mơ ước khám phá sự phong phú của đời sống, thiên nhiên tươi đẹp của người dân miền núi nhưng lại không muốn làm thay đổi những giá trị văn hóa lâu đời của người dân bản địa.
Những chuyến du lịch mà các doanh nghiệp này vẽ ra cho du khách đẹp như một giấc mơ nhưng có thực. Những ai yêu thích sự tươi mới của thiên nhiên, sự thân thiện của con người đều có thể lên đường.
Những đổi thay
Điều gì khiến những nhà đầu tư này làm nên những hành trình đậm chất thơ như vậy? Câu trả lời là sự yêu thích cái mới, sự sáng tạo, lòng yêu thiên nhiên và sự đòi hỏi bức thiết từ thị trường.
Thị trường du lịch đang thay đổi. Từ nhu cầu thăm thú, tham quan chùa chiền, lăng tẩm đơn thuần, du khách ngày nay muốn chia sẻ giá trị của cuộc sống, quan tâm về xã hội, giữ gìn môi trường, ngày càng muốn tiếp cận gần nhất đến đời sống của người dân địa phương. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp muốn phát triển loại hình du lịch xanh.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, chủ đầu tư của Lak Tended Camp, kể sau khi một chú voi ở Campuchia chết khi đi tour, nhiều khách hàng ở châu Âu từ chối tour cưỡi voi vì cho rằng đó là loại hình bóc lột sức lao động của động vật. Để tránh sự phản ứng của khách, nhiều công ty du lịch đã loại tour cưỡi voi ra khỏi danh mục “must do” (phải làm) khi đến Đắk Lắk, thay vào đó là những hoạt động khác như xem cách chăm sóc, nuôi dưỡng voi. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy sự quan tâm về môi trường của du khách ảnh hưởng như thế nào đến việc làm sản phẩm của doanh nghiệp. Du lịch Việt Nam cũng vậy, sản phẩm du lịch biển, di sản… đang mang lại nguồn khách lớn, nhưng mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường, với người dân bản địa lại góp phần làm đa dạng sản phẩm, không chỉ giữ khách ở lại lâu hơn mà còn góp phần kéo khách quay lại.
“Đầu tư theo hướng thân thiện với môi trường không chỉ thu hút du khách quốc tế mà còn cả người Việt. Bốn năm trước, khi tôi nghĩ về ý tưởng làm Lak Tened Camp, nhiều người cho rằng mô hình này có thể thu hút khách Tây. Nhưng khi resort mở cửa, những đơn đặt hàng đầu tiên lại đến từ khách hàng trong nước”, bà Thủy Tiên nói.
Nói về bài toán lợi nhuận, doanh nhân này cho rằng, nếu chỉ kéo khách đến ở rồi lấy vài trăm đô la Mỹ/đêm phòng thì còn rất lâu nữa vốn đầu tư mới có thể sinh lời. Song nếu bán kèm với phòng là những gói dịch vụ khác như tham quan thì mọi việc sẽ khác. “Đã đầu tư thì phải tính cách để đồng vốn sinh lời. Nhưng với tôi, dự án này còn có thêm một động lực quan trọng nữa. Đó là dự án truyền cảm hứng. Khi làm những loại tour phổ thông, những sản phẩm nhàn nhạt, người bán hàng cũng cảm thấy uể oải, nhưng khi thiết kế những sản phẩm ấn tượng, độc đáo thì cảm xúc, sự hứng khởi sẽ dâng cao và tôi may mắn khi có được điều này”, bà Thủy Tiên nói.
Cùng nhận định, ông Xuân Anh của Mekong Riverside Boutique Resort & Spa cho rằng muốn làm du lịch xanh, trước hết doanh nghiệp phải yêu thích. Kế đến là thời điểm và lòng kiên nhẫn theo suốt quá trình phát triển của dự án. Ông bảo, khoảng 10-15 năm trước, nhà đầu tư không dám nghĩ đến chuyện bỏ vài chục tỉ đồng cho một dự án mà khả năng kiếm tiền ít vậy. Nhưng thị trường đã bắt đầu thay đổi, nhu cầu du lịch xanh ngày càng cao và cần được đáp ứng. “Du lịch xanh không phải là mốt, sớm nở tối tàn mà sẽ là xu hướng đồng hành cùng xã hội trong quá trình phát triển”, ông nói.