Lê Anh-
Trước yêu cầu của chính quyền thành phố về việc giảm ô nhiễm môi trường do khí thải xe, năm năm qua một số doanh nghiệp và hợp tác xã đã đầu tư loại xe sử dụng nhiên liệu sạch chạy bằng khí (thường gọi là xe chạy CNG). Tuy nhiên, một số đơn vị cho biết họ đang gặp khó khăn vì xe CNG thiếu trạm nạp gas.
Đi 14 km mới nạp được nhiên liệu
Qua một thời gian sử dụng, loại xe này được đánh giá là giảm khí thải độc hại ra môi trường và được khuyến khích sử dụng. Trong đề án thay mới xe buýt, TPHCM đã đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ có 300 xe CNG. Tuy nhiên, vấn đề khiến các doanh nghiệp có xe CNG hiện nay là trạm nạp nhiên liệu.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm hợp tác xã vận tải 19-5, cho biết hiện cả thành phố chỉ có bốn trạm nhiên liệu CNG. Xe buýt của doanh nghiệp ông từ bến đỗ đến trạm cách 7 km, cả đi và về mất 14 km chạy xe không. Không những đi xa mà đến nơi tài xế phải xếp hàng chờ cả giờ đồng hồ mới nạp được nhiên liệu do có nhiều xe cùng đến nạp. “Điều này gây bức xúc cho tài xế và thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Triệu bức xúc.
Vẫn theo ông Triệu, một chiếc xe buýt CNG có giá gấp ba lần xe chạy dầu DO. Cụ thể, loại buýt CNG 80 chỗ có giá 2,75 tỉ đồng/chiếc trong khi xe chạy dầu DO cùng loại chỉ khoảng 900 triệu đồng/chiếc. Ông cho biết, tiền đầu tư xe lớn như thế mà mua xe về rồi không có gas để chạy thì buộc doanh nghiệp phải trùm mền xe để đó.
Cũng bức xúc việc thiếu trạm nạp nhiên liệu, ông Nguyễn Hồ Minh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn, cho biết do thiếu trạm nạp nhiên liệu nên doanh nghiệp ngại đầu tư xe buýt chạy khí CNG. Không những vậy, chi phí sửa chữa xe CNG luôn cao hơn xe buýt bình thường, phụ tùng thay thế thì ít, còn giá nhiên liệu thì độc quyền do chỉ có một công ty cung cấp.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, cho biết hiện nay toàn thành phố có khoảng 300 xe buýt sử dụng khí CNG trong khi chỉ có bốn trạm cung cấp khí là trạm Đại học Quốc gia TPHCM, trạm Phổ Quang, trạm Bình Chánh và trạm An Sương.
Theo ông Trung, từ nay đến cuối năm số lượng xe CNG có thể tăng lên 400 xe. Việc thiếu trạm nạp nhiên liệu và giá xe buýt CNG cao khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng. Để giải quyết vấn đề này, ông Trung cho biết, trong năm 2017, TPHCM sẽ xây thêm sáu trạm nạp nhiên liệu cho xe buýt CNG tại các điểm là Bến xe Chợ Lớn, công viên 23 Tháng 9, Bến xe quận 8, Bến xe Tân Phú, Bến xe Củ Chi, bãi xe Lạc Long Quân. Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp xe buýt, thành phố sẽ điều chỉnh lại hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp để tiếp cận nhanh nguồn vốn để đầu tư xe CNG.
Thiếu trạm, giá tăng
Theo phản ánh của các doanh nghiệp có xe buýt chạy khí CNG, không chỉ thiếu trạm nạp nhiên liệu, mà từ đầu năm 2017 giá khí CNG đã tăng khiến họ gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trước đây giá khí CNG được Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) bán với giá bằng 60% so với giá dầu DO.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1-1-2017, PV Gas South đã tăng giá bán khí CNG lên bằng 66% so với giá dầu DO và dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá trong các năm tiếp theo. Không những thế doanh nghiệp này thông báo tạm dừng việc đầu tư mới các trạm nạp khí CNG trên địa bàn TPHCM, theo chỉ đạo của Tổng công ty Khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam).
Trước động thái này của PV Gas South, hồi tháng 4-2017 chính quyền TPHCM đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đề nghị tập đoàn này xem xét cơ chế, chính sách thống nhất về giá cung cấp trên địa bàn TPHCM, có thể giữ ổn định giá bán bằng 60% so với giá dầu DO cho hoạt động xe buýt CNG của thành phố.
Về lâu dài, để góp phần giảm ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, TPHCM cũng đề nghị PVN sớm lập quy hoạch phát triển hệ thống cung cấp khí nén thiên nhiên làm nhiên liệu cho hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.
Theo nguồn tin từ Sở GTVT TPHCM, phía PV Gas South muốn TPHCM ưu đãi, hỗ trợ về tài chính cụ thể là giá bán khí CNG và cung cấp vị trí đất để lắp đặt trạm nạp…
Giám đốc một hợp tác xã có xe buýt CNG (đề nghị không nêu tên) cho biết, do PV Gas South đang độc quyền cung cấp khí CNG nên mới đòi nhiều ưu đãi. “Nếu chính quyền thành phố mở cửa cho tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước được cung cấp gas thì lúc đó giá gas sẽ cạnh tranh hơn, và xe buýt CNG sẽ có nhiều trạm để nạp nhiên liệu hơn”, vị này nói.