Chánh Tài-
Bốn mươi ứng dụng cho thuê xe đạp trên điện thoại di động ở Trung Quốc đang gây áp lực cho ứng dụng gọi taxi Didi Chuxing vì nhiều người chuyển sang thuê xe đạp thay vì taxi ở những chặng đi ngắn.
Đe dọa taxi
Năm ngoái, Công ty Didi Chuxing ở Bắc Kinh mua lại mảng kinh doanh của Công ty Công nghệ Uber Technologies (Mỹ) tại Trung Quốc để trở thành ứng dụng gọi taxi lớn nhất ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Chưa đầy một năm sau, sự thống trị của Didi Chuxing bị thách thức bởi một lực lượng ít ai ngờ đến, đó là 40 ứng dụng cho thuê xe đạp trên điện thoại di động đang hoạt động tại các thành phố lớn của Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Xe đạp đang trở thành phương tiện di chuyển phổ biến ở quãng đường vài ki lô mét giữa các nhà ga xe điện ngầm, các trạm xe buýt đến các điểm như nhà riêng, công sở, trường học, khu mua sắm... ở Trung Quốc. Chỉ cần quét mã QR của xe đạp bằng điện thoại, người sử dụng có thể lấy xe và sau đó trả lại chúng ở bất cứ nơi đâu với giá thuê thấp đến mức 1 nhân dân tệ (3.300 đồng Việt Nam)/giờ. Thỉnh thoảng, người thuê còn được thưởng tiền mặt khi có chương trình khuyến mãi.
Đối với Freddie Tian, nhân viên văn phòng ở quận Phúc Điền, thành phố Thâm Quyến, việc chuyển qua thuê xe đạp để di chuyển đến ga tàu điện ngầm giúp anh tiết kiệm được 500 nhân dân tệ/tháng, tương đương 5% mức lương của anh. Anh thường thuê xe đạp và mất 10 phút di chuyển trong quãng đường từ căn hộ của anh đến nhà ga xe điện ngầm để lên tàu đi làm.
Trước đây, Tian là khách hàng quen của ứng dụng gọi taxi Didi Chuxing, nhưng giờ đây nhờ có ứng dụng cho thuê xe đạp, anh không gọi taxi nữa. “Tôi có thể dậy muộn hơn một chút vào buổi sáng vì tôi không phải lo lắng chuyện kẹt xe nữa”, anh nói khi ca ngợi tính tiện dụng của xe đạp.
Tian không phải là người duy nhất từ bỏ ứng dụng gọi taxi Didi Chuxing để chuyển qua thuê xe đạp. Xe đạp là phương tiện chiếm 11,6% tổng lượt chuyến di chuyển trong vòng một năm qua ở các thành phố Trung Quốc, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ người dân sử dụng xe ô tô để đi lại ở các thành phố giảm từ 29,8% xuống 26,6%, theo một báo cáo của Công ty Công nghệ Beijing Mobike và Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.
Đầu tư vào ứng dụng cho thuê xe đạp
Xu hướng thuê xe đạp để di chuyển đang phát triển bùng nổ ở Trung Quốc. Số người sử dụng dịch vụ dùng chung xe đạp sẽ tăng lên 50 triệu người vào cuối năm 2017 từ con số 18 triệu người vào cuối năm 2016, theo Công ty Tư vấn Big Data Research (Trung Quốc).
Để đáp ứng nhu cầu, Công ty Công nghệ Beijing Bikelock, đơn vị sở hữu ứng dụng cho thuê xe đạp Ofo, đã triển khai 5 triệu xe đạp màu vàng đặc trưng trên khắp Trung Quốc và bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động sang Mỹ, Anh và Singapore.
Một khách hàng sử dụng ứng dụng Ofo để thuê xe đạp ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Image China
Trong khi đó, Công ty Công nghệ Beijing Mobike cho biết trong tháng 4-2017, công ty nhận được trung bình 20 triệu lượt đặt thuê xe đạp trên ứng dụng cho thuê xe đạp Mobike mỗi ngày. Mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc WeChat đã tích hợp ứng dụng Mobike, cho phép người sử dụng mạng xã hội này có thể dễ dàng đặt thuê xe đạp thông qua ví điện tử của WeChat. Beijing Mobike đang có 4 triệu xe cho thuê trên cả nước và tập trung phân bổ ở thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến với 200.000 xe đạp mỗi nơi.
Hu Weiwei, người đồng sáng lập Công ty Beijing Mobike. Ảnh: Mobike
Didi Chuxing không công bố dữ liệu chi tiết lượng đặt thuê taxi trong vài tháng qua kể từ khi các ứng dụng cho thuê xe đạp mọc lên như nấm. Để tránh rủi ro, Didi Chuxing đã quyết định trở thành nhà đầu tư của Ofo.
“Didi Chuxing là nhà đầu tư chiến lược của Ofo và gần đây đã gộp ứng dụng cho thuê xe đạp Ofo vào ứng dụng gọi xe taxi của công ty này vì chúng tôi nhìn thấy triển vọng kinh doanh trong việc phục vụ nhu cầu các chuyến đi chặng ngắn của một bộ phận người dân”, người phát ngôn của Công ty Công nghệ Beijing Mobike cho biết.
Người phát ngôn nói rằng ứng dụng Ofo sẽ cung cấp cho người dân một sự lựa chọn linh hoạt và giá rẻ ở các chặng đường ngắn.
Thành lập năm 2012, Didi Chuxing có 400 triệu khách hàng khắp 400 thành phố Trung Quốc. Công ty khởi nghiệp này có hơn 100 nhà đầu tư bao gồm những tên tuổi lớn như Apple, Tencent và Alibaba.
Công ty tài chính internet lớn nhất Trung Quốc Ant Financial thuộc Tập đoàn Alibaba cũng đã đầu tư vào Ofo. Chỉ mới thành lập cách đây 3 năm, nhưng Công ty Công nghệ Beijing Bikelock đã huy động được nguồn vốn đầu tư tổng cộng 650 triệu đô la Mỹ và được định giá hơn 2 tỉ đô la Mỹ.