(SGTT) - Sáng 19-11, nhiều tài xế xe ôm công nghệ đã được chở khách trở lại sau khi được Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho phép. Tuy nhiên, nhiều tài xế trong sáng nay vẫn chỉ được nhận các giao các đơn hàng vì hãng chưa có thông báo chính thức.
Tăng thu nhập nhưng thêm lo lắng
Vừa chở khách từ đường Lê Văn Duyệt (Bình Thạnh) đến bệnh viện Hòa Hảo (quận 10), anh Hản, quê Tây Ninh, 35 tuổi, tài xế xe công nghệ Gojek, cho biết từ 17-11 đã được thông báo từ hãng về việc anh được chở khách trở lại.
Anh Hản cho biết thêm, để sẵn sàng phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, hôm qua anh đã vệ sinh lại nón bảo hiểm, rửa xe lại cho mới và tăng cường thêm một chai cồn xịt khuẩn treo trên xe cho khách sử dụng nếu cần.
“Vui lắm vì đã không được chở khách nửa năm nay rồi. Cuốc xe vừa rồi dù giá cước chỉ có 30.000 đồng nhưng dù sao có thêm thu nhập cũng đủ hạnh phúc rồi”, tài xế này nói.
Trong thời gian vừa qua, việc chỉ được nhận giao hàng khiến thu nhập của tài xế này bị giảm đi rất nhiều chưa kể việc bị “bom hàng”. Gắn bó với công việc này đã được hơn 1 năm, với ông Hản công việc này dù có thu nhập liền trong ngày nhưng nguồn thu lại không ổn định. Tài xế này chia sẻ chỉ chạy thêm một thời gian nữa và sẽ tìm kiếm một công việc khác ổn định hơn.
Tương tự, ông Bình là tài xế xe ôm công nghệ của hãng Be cho biết dù đã được chở khách từ hôm qua nhưng lượng khách vẫn ít do khách hàng hiện nay đã có những mối tài tài xế quen gần nhà trong thời gian vừa qua. Ông Bình cho rằng trong vòng vài ngày tới khách sẽ nhiều và ổn định hơn.
Theo ông Bình, việc có thêm thu nhập khi được chở khách trở lại cũng sẽ tăng thêm nguy cơ lây nhiễm khi tài xế tiếp xúc với nhiều hành khách trong một ngày. Do đó cả tài xế và hành khách càng phải cận trọng hơn khi đặt xe, di chuyển.
“Hôm qua mình chỉ nhận được một cuốc xe chở khách còn các đơn còn lại là giao hàng như mọi ngày. Mình nghĩ dù được cho phép chở khách nhưng các tài xế vẫn không nên chủ quan mà cần phải thật cẩn trọng như tuân thủ 5K, xịt cồn sau mỗi lần chở khách và tốt nhất là thanh toán qua ví điện tử để tránh tiếp xúc cần thiết”, ông Bình nói thêm.
Vẫn chờ được chở khách
Trường hợp khác, tài xế Gia Phát của hãng xe công nghệ khác cho biết vẫn chưa nhận được thông báo chở khách. Trong sáng nay, tài xế này vẫn chỉ tiếp tục nhận giao các đơn hàng. Ông Phát cho biết thêm, hiện nay tài xế đông nhưng đơn hàng ít, có nhiều hôm cả ngày chỉ được 3 đơn hàng chỉ đủ tiền xăng.
“Mình thấy hiện nay các loại hình vận tải khác đã được hoạt động ổn định trở lại. Việc hãng xe mình chỉ cho giao hàng hóa trong thời điểm hiện tại khiến thu nhập của tài xế giảm nhiều. Bên cạnh đó, giá xăng tăng cao trong thời điểm hiện tại cũng khiến tài xế xe công nghệ càng gặp thêm nhiều khó khăn hơn trong công việc”, ông Phát tâm tư.
Hiện nay dù xe ôm công nghệ đã được phép hoạt động trở lại nhưng xe ôm truyền thống vẫn chưa được thành phố cấp phép hoạt động trở lại. Do đó, nhiều tài xế xe ôm truyền thống vẫn đang tâm tư vì không biết đến khi nào mới được ra xe chở khách.
Ông Quang, tài xế xe ôm truyền thống ở quận 5 TPHCM, cho biết thấy các tài xế xe công nghệ được chở khách khiến ông cũng mừng thay. Những ngày qua ông luôn cập nhật tin tức liên quan về việc thành phố đã cho phép xe ôm truyền thống được hoạt động lại chưa.
“Hôm rồi mình có thấy các báo đưa tin cho phép xe ôm hoạt động lại nhưng đọc xuống cuối tin thì mới biết chỉ xe ôm công nghệ mới được chạy lại. Bây giờ trong xóm ai ủng hộ được cuốc xe nào thì chạy chuyến đó chứ cũng không dám ra đậu xe tại các bến như trước kia”, ông Quang buồn bã.
Ông Quang cho biết thêm, cả gia đình sống dựa vào nguồn thu nhập từ việc chạy xe của ông, do chưa được chở khách nên chi phí sinh hoạt luôn thiếu trước hụt sau. "Chưa được hoạt động trở lại nên cũng phải liên hệ các cửa hàng gần nhà để chở hàng. Lớn tuổi rồi hàng hóa nặng và cồng kềnh nhưng cũng phải ráng vì là trụ cột gia đình. Thôi thì cứ tiếp tục chờ vậy", ông nói tiếp.
Bà Hồng Ngọc, 60 tuổi, ở quận 10, TPHCM, cho rằng việc chỉ cho xe ôm công nghệ hoạt động mà không có xe ôm truyền thống chạy lại là chưa thực sự công bằng. “Đối với những người lớn tuổi như tôi không rành về công nghệ thì việc đặt xe qua ứng dụng trên điện thoại khá khó khăn. Đa phần tôi được con cháu gọi xe sẵn, nhiều khi không có ai ở nhà mà mình lại muốn đi công việc thì chỉ biết ngồi hoặc gọi cho người trong nhà đặt giúp. Tôi thấy khá phiền”, bà Ngọc nói thêm.
Theo bà Ngọc, các tài xế xe ôm truyền thống cũng được tiêm vắc-xin, tuân thủ các quy định phòng chống dịch nghiêm chỉnh. Do đó, nên cho phép loại hình này sớm được hoạt động trở lại để người dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc di chuyển.
Vừa qua (17-11), Sở Giao Thông Vận Tải TPHCM đã có công văn 12318/TB-SGTVT về tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn. Theo đó, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe máy, môtô 2 bánh công nghệ được phép hoạt động hạn chế và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, các hãng xe công nghệ được phép hoạt động vận chuyển hành khách trở lại trên địa bàn có cấp độ dịch cấp độ 2, với số lượng không quá 50% số xe của đơn vị và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Minh Hoàng