CHÍ THỊNH -
Gần như ngay lập tức, khi uberMOTO xuất hiện ở Việt Nam thì giá cước GrabBike được điều chỉnh xuống dưới mức 4.000 đồng/km (uberMOTO là 3.700 đồng/km). Theo đánh giá của một số người tiêu dùng thì việc gọi GrabBike vẫn nhanh hơn uberMOTO (nhờ số lượng xe GrabBike nhiều hơn), nhưng sau vài tháng nữa thì không biết GrabBike có còn tận dụng được ưu thế này hay không.
Thêm “tay đua” mới
Thay vì “ngoắt xe ôm” nhiều người chuyển sang “gọi xe ôm” trên di động.
Ngày 21-4, uberMOTO chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam, cung cấp dịch vụ gọi “xe ôm” qua di động tại Hà Nội và TPHCM. Ở lần ra mắt này, Uber Việt Nam tặng cho khách hàng 5 chuyến đi miễn phí uberMOTO với số tiền 88.000 đồng/chuyến.
Trước đó, Grab Việt Nam đã có dịch vụ “xe ôm” GrabBike cũng chỉ kinh doanh ở hai thành phố lớn là TPHCM (tháng 11-2014) và Hà Nội (tháng 6-2015). Vào thời điểm đầu năm 2015, GrabBike đã từng đưa ra mức cước rất rẻ, chỉ có 3.000 đồng/km; chuyến đi dưới 3 km sẽ có cước phí 9.000 đồng/chuyến.
Dịch vụ “xe ôm” GrabBike đã thu hút nhiều đối tượng tham gia, bao gồm một số tài xế xe ôm “chuyên nghiệp” đứng ở các ngã tư lẫn xe ôm “nghiệp dư” là sinh viên, nhân viên văn phòng… muốn chạy xe máy chở khách kiếm thêm thu nhập.
Mô hình uberMOTO ở Việt Nam cũng như thế, họ cũng tuyển dụng đủ đối tượng đáp ứng điều kiện có xe máy, bằng lái, bảo hiểm xe máy… Đặc biệt là lý lịch phải rõ ràng (lý lịch tư pháp), có chứng thực kèm theo chứng minh nhân dân.
Theo thông tin từ một số người muốn đăng ký làm tài xế uberMOTO thì trong giai đoạn đầu Uber sẽ trả lương theo giờ cho tài xế nhằm tăng nhanh số lượng xe. Nhờ thế, dù mới ra mắt nhưng khi bật ứng dụng Uber lên, số lượng xe xuất hiện trên màn hình cũng không ít hơn là bao so với đối thủ GrabBike.
Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã tìm hiểu thông tin và biết được rằng hiện tại người đăng ký lái xe uberMOTO sau khi đạt được một số điều kiện (số cuốc xe trong ngày, doanh thu…) sẽ được đảm bảo mức thu nhập 40.000-45.000 đồng/giờ (tùy khu vực Hà Nội hoặc TPHCM). Uber chấp nhận tài xế uberMOTO trang bị xe máy có dung tích phân khối từ 100 cc tới 150 cc và phải được sản xuất từ năm 2012 trở về sau (ví dụ: AirBlade 125 cc, đời xe từ năm 2012 cho đến 2016); phải có smartphone cài đặt ứng dụng Uber.
Ở Việt Nam cũng vừa mới xuất hiện thêm ứng dụng “xe ôm” nội địa có tên gọi PinBike. Mức cước của PinBike là 3.900 đồng/km. Đây là ứng dụng của một công ty khởi nghiệp trong nước, đang thu hút số đông sinh viên tham gia làm thêm nghề “xe ôm”.
[box type="download"] Lợi thế không tính cước theo phút của GrabBike
Do GrabBike không tính thời gian di chuyển như uberMOTO, lại hủy bỏ khung cước thời gian cao điểm nên GrabBike có lợi thế cho các chuyến đi dài (từ 10 km trở lên). Cứ tính thử một chuyến đi 10 km với tốc độ 30 km/giờ (mất 20 phút/quảng đường 10 km), cước của uberMOTO sẽ là 3.700 đồng x 10 km x 200 đồng/phút, cước trung bình là 41.000 đồng (37.000 đồng + 4.000 đồng cước tính theo thời gian di chuyển). Còn cước GrabBike sẽ là 3.800 đồng x 10 km, trung bình là 38.000 đồng. Như vậy, cước GrabBike sẽ rẻ hơn uberMOTO; đó là chưa kể cước của uberMOTO có thể tăng thêm do kẹt xe hoặc tài xế chạy tốc độ chậm (có thể do cố tình hoặc do động cơ xe yếu).[/box]
Cạnh tranh về giá
Ngay từ thời điểm uberMOTO ra mắt, Grab Việt Nam đã phản ứng nhanh bằng cách giảm giá cước GrabBike xuống chỉ còn 3.500 đồng/km (Hà Nội) và 3.800 đồng/km (TPHCM) thay vì 4.500 đồng/km trước đó.
Đồng thời, cước phí GrabBike vào giờ cao điểm (hay bị tắc nghẽn giao thông hoặc ít xe GrabBike) cũng được hủy bỏ từ ngày 21-4. Trước đó, GrabBike có mức cước giờ cao điểm là 18.000 đồng/3 km (khung giờ sáng-chiều trong vòng 7 giờ); giờ thông thường sẽ có mức cước 12.000 đồng.
Nếu so sánh theo chuyến, mức cước GrabBike đang chiếm ưu thế bởi vì uberMOTO có mức cước tối thiểu là 10.000 đồng/km; trong khi đó GrabBike chỉ có 9.000 đồng/2 km đầu tiên ở Hà Nội. Mức cước GrabBike ở TPHCM là 12.000 đồng/km, cao hơn uberMOTO (nếu đi chuyến 2 km).
Anh Nguyễn Văn Xuân, nhân viên ngân hàng, cho biết anh vẫn quen đi GrabBike nhưng từ lúc có uberMOTO anh lại chuyển qua đi dạng xe ôm này. “Đơn giản là tôi thường đi những cuốc xe ngắn từ nhà đến cơ quan (2-3 km) nên dùng uberMOTO có lợi hơn GrabBike, cước thấp hơn một chút”, anh so sánh.
Nói về giá cước, chị Ngọc Quyên, nhà ở quận 4 (TPHCM), cho rằng giá uberMOTO cũng xấp xỉ bằng GrabBike cho dù GrabBike giảm giá cước. “Chỉ cần tính một chuyến đi từ đây qua siêu thị Metro An Phú (đường Song Hành, quận 2) trên app (ứng dụng) là thấy ngay. Tôi bấm GrabBike, chọn điểm đi là phường 9, quận 4; điểm đến là Metro An Phú, máy báo cước 39.000 đồng. Còn khi bấm uberMOTO cũng với điểm đến tương tự thấy báo cước 31.000-42.000 đồng. Theo kinh nghiệm đi UberX nhiều lần, tôi biết giá cước ước tính của Uber thường sẽ thấp hơn mức cước cao nhất (42.000 đồng)”, chị Quyên nói.
Một số tài xế đang chạy GrabBike “không chuyên” (sinh viên, nhân viên văn phòng…) cho rằng với mức cước mới tài xế sẽ khó đảm bảo thu nhập. Trừ phi khách hàng đi cuốc dài, chứ cuốc ngắn tài xế GrabBike bất lợi về giá so với uberMOTO, mức cước lại quá ít. Mặt khác, họ cũng cho rằng hiện tại tài xế uberMOTO được hỗ trợ tốt về thu nhập “phần cứng” (từ Uber) nên cứ online nhiều giờ sẽ có nhiều tiền (điều này cũng giống như khi GrabBike mới ra mắt).
Ngoài ra, việc xuất hiện ứng dụng “xe ôm” di động với mức cước ngày càng thấp đã ảnh hưởng tới “nồi cơm” của những người đang hành nghề xe ôm ở các góc đường, bến xe, nhà ga xe lửa… Một cuốc xe ôm trước đây từ quận 4 đi chợ Bến Thành từ 20.000 đồng (dưới 2 km) nay đã giảm xuống chỉ còn 10.000-12.000 đồng (nếu chọn uberMOTO hoặc GrabBike).
Đã xuất hiện một số sự việc xung đột, tranh giành khách… giữa nhóm tài xế “xe ôm” di động và nhóm tài xế xe ôm truyền thống.
Vừa qua, đã xảy ra một số vụ tài xế xe ôm ở sân bay Tân Sơn Nhất vây đánh tài xế chạy GrabBike (mặc đồng phục) và trên trang cộng đồng tài xế Uber (Facebook) cũng vừa xuất hiện thông tin cảnh báo tài xế uberMOTO khi vào khu vực bến xe, sân bay… không nên mặc đồng phục. Mâu thuẫn đã xảy ra và không biết khi nào sẽ lên tới “đỉnh điểm” giống như việc cộng đồng tài xế taxi ở một số nước đã tiến hành biểu tình chống đối lại Uber.
Xét chung cuộc thì người tiêu dùng có lợi khi uberMOTO nhảy vào Việt Nam cạnh tranh với Grab. Hai bên giảm cước thì giá cước “xe ôm” di động lại ngày càng rẻ hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ vô tình gây thiệt hại cho giới tài xế xe ôm chuyên nghiệp do khách hàng sẽ không “ngoắt xe ôm” mà chuyển sang “gọi xe ôm” trên di động.