Người tiêu dùng thường muốn tìm hiểu tường tận những sản phẩm họ mua được làm ra như thế nào, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng nhu cầu này. Vì thế, để nhận diện thực phẩm an toàn, những thông tin trên bao bì sản phẩm là chưa đủ mà phải có tiêu chuẩn nhận diện.
Nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, ngày 7/12 vừa qua, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) đã tổ chức buổi hội thảo Nhận diện thực phẩm an toàn, đồng thời tổ chức phiên chợ nông sản tại TPHCM nhằm giới thiệu những sản phẩm nông sản có thông tin minh bạch cho người tiêu dùng.
Đúng nhưng chưa đủ
Theo ông Vũ Thế Thành, chuyên gia an toàn thực phẩm của AFT, hiện nay trên thế giới không định nghĩa thế nào là thực phẩm sạch, mà tất cả các sản phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định an toàn của quốc gia đó. Cụ thể, thịt phải tuân thủ về cách sử dụng kháng sinh, hormone tăng trưởng. Thực phẩm chế biến phải được kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn và phụ gia thực phẩm. Còn những tiêu chuẩn khác như ISO (hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng sản phẩm), HACCP (hệ thống phân tích kiểm soát các mối nguy trong sản xuất chế biến) là không bắt buộc.
Luật pháp hiện hành không có quy định về thực phẩm minh bạch nhưng là điều cần thiết với người tiêu dùng. Một sản phẩm phải có nguồn gốc sản xuất, thông tin về giống, công nghệ sản xuất, thông tin sản phẩm và cảnh báo rõ ràng.
Theo ông Thành, có những thông tin về thành phần sử dụng, tính năng sử dụng, chất chiết xuất tự nhiên, không hormone, không biến đổi gen (no-gmo)… đang được các doanh nghiệp ghi trên bao bì sản phẩm mà dưới góc nhìn của chuyên gia là mập mờ với khách hàng. Dù ở khía cạnh pháp luật, những thông tin như vậy là không sai nhưng chưa đầy đủ với người tiêu dùng.
Khó khăn từ khâu phân phối
Với nhiều nước trên thế giới, minh bạch thông tin là một yêu cầu tự nguyện nhưng tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia đánh giá các tiêu chuẩn quốc tế và tư vấn kiểm soát nội bộ, cho biết ở nhiều nước ở châu Âu những tiêu chí được đưa ra và chứng nhận bởi các nhà bán lẻ luôn có “quyền lực” đối với nhà sản xuất. Đây là những tiêu chuẩn gần như bắt buộc mà nhà sản xuất phải tuân theo nếu muốn bán được hàng.
Theo bà Thanh, để biết sản phẩm đó an toàn đúng theo tiêu chí của pháp luật thì cần có một bên thứ ba kiểm định và giám sát. Vì thế, ở nhiều nước, hiệp hội các nhà bán lẻ sẽ phải làm điều này thông qua những quy định, công cụ khác nhau nhằm đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, xã hội… Theo quy định của các nước này, nhà bán lẻ, kênh phân phối cuối cùng đưa thực phẩm đến người tiêu dùng là bên chịu trách nhiệm những sản phẩm mà họ bán ra.
Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề minh bạch nguồn gốc sản xuất chưa được phía nhà sản xuất quan tâm nhiều. Nguyên nhân là do Việt Nam có nhiều kênh bán hàng khác nhau, nghĩa là nếu nhà sản xuất không bán được cho hệ thống siêu thị thì có thể chọn kênh bán hàng là chợ truyền thống, người bán hàng nhỏ lẻ…
Hiểu đúng về truy xuất nguồn gốc
Ông Bùi Huy Bình, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified), cho biết việc truy xuất nguồn gốc xuất phát ở Anh trong cuộc khủng hoảng bò điên, thịt bò bị nhiễm độc dẫn đến mầm bệnh nguy hiểm cho người. Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc yêu cầu xác định được địa danh và doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm làm ra từ vùng an toàn. Khi nhận được phản hồi về chất lượng của một sản phẩm, việc đầu tiên của doanh nghiệp là khoanh vùng sản phẩm, xem lô hàng đó sản xuất lúc nào, ai trực tiếp làm ra, đã phân phối ở đâu. Từ dữ liệu ấy sẽ dễ dàng tìm ra được nguyên nhân.
Theo ông Bình, truy xuất nguồn gốc có ba lớp thông tin: thông tin cho doanh nghiệp, thông tin từ nhà cung cấp, cuối cùng là thông tin cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, cùng một cửa hàng bán sầu riêng, hôm nay, người tiêu dùng đến mua thấy ngon nhưng hôm sau mua trái khác lại không ngon, dù sản phẩm đáp ứng các quy trình kỹ thuật. Khi nhận được phản hồi từ khách hàng, nếu những trái sầu riêng này có dán nhãn truy xuất nguồn gốc, người bán dựa vào thông tin này sẽ xác định được ngày đầu đã bán sầu riêng mua từ hộ nông dân nào, còn ngày hôm sau mua từ đâu để lần sau chọn mua những trái sầu riêng ngon.
Vì thế, minh bạch thông tin được hiểu là một khâu để bảo vệ cho thương hiệu doanh nghiệp chứ không phải làm theo quy trình truy xuất nguồn gốc thì giá bán sẽ phải cao hơn.
Ngọc Hùng