LINH NGUYỄN -
Năm 2000, chương trình kịch dành cho thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf mở màn với kịch Tấm Cám và ngay lập tức tạo nên một sức hút lớn trong lòng các khán giả nhí. 16 năm sau, dường như vầng hào quang của Tấm Cám vẫn không hề phai nhạt đi chút nào mà ngược lại vẫn tỏa sáng trong lòng khán giả yêu nghệ thuật kịch nói không chỉ thiếu nhi mà ở mọi lứa tuổi.
Sau 16 năm vẫn hút khán giả
Cảnh trong vở hài kịch Tấm Cám.
Đây là vở diễn do ông bầu Huỳnh Anh Tuấn viết kịch bản với sự góp mặt của nghệ sĩ Thành Lộc và nghệ sĩ Hữu Châu là hai nhân tố chính thu hút người xem vì lối diễn xuất duyên dáng, hài hước từ năm 2000. Mới đầu, các nghệ sĩ và ê-kíp tạo nên vở hài kịch này chủ yếu nhắm vào khán giả thiếu nhi, thế nhưng nhiều phụ huynh sau khi đưa con mình đi xem kịch thì họ cũng bị thu hút bởi kịch bản và diễn xuất ấn tượng của các diễn viên. Vào thời điểm đó, vở diễn “hot” đến nỗi phải trình diễn suốt tháng và sân khấu luôn chật kín người xem trong tất cả các suất diễn.
Nay, sau 16 năm, vở kịch Tấm Cám đã phục vụ cho cả ba thế hệ khán giả, ngày xưa phụ huynh dẫn con đi xem, 16 năm sau đứa con ấy lớn lên và tiếp tục dẫn con cái của mình đi xem. Năm nay, Idecaf kỷ niệm 20 năm thành lập nên ông bầu Huỳnh Anh Tuấn quyết định dàn dựng lại những vở diễn ấn tượng nhất và vở hài kịch “hot” nhất của sân khấu này và Tấm Cám một lần nữa lại tái xuất khán giả, trước đó là vào dịp tết và hiện đang tiếp tục sốt vé trong mùa diễn hè năm nay bởi sự vui nhộn và sắc màu đậm nét dân gian của mình.
Đã lâu lắm trong làng sân khấu người ta mới thấy cảnh xếp hàng nhiều giờ để mua được tấm vé hay cảnh bán vé chợ đen…
Lần trở lại này, kịch bản Tấm Cám đã có sự thay đổi chút ít cho phù hợp với cả thiếu nhi và người lớn nhưng câu chuyện vẫn diễn ra nhẹ nhàng, những lời thoại vui nhộn có lồng ghép một vài diễn biến thời sự làm cho vở kịch vừa có tính giải trí vừa mang tính giáo dục. Dàn diễn viên như Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Bạch Long, Dương Cường… đã hóa thân tròn vai vào các nhân vật khiến cho vở diễn sau 16 năm lại tiếp tục thành công.
Sự thành công của Tấm Cám suốt 16 năm qua được giới chuyên môn đánh giá là phần nào nhờ vào cặp bài trùng Thành Lộc và Hữu Châu. Nếu như ngày xưa, khi mới ra mắt lần đầu, dư luận có một vài ý kiến phản đối việc giả gái của hai nghệ sĩ này khi vào vai Cám và Dì Ghẻ là phản cảm nhưng sau khi xem xong thì chính sự xuất sắc của Thành Lộc và Hữu Châu đều chinh phục được khán giả và được yêu mến suốt 16 năm nay. Riêng “phù thủy sân khấu” Thành Lộc diễn vở Tấm Cám lần đầu năm 39 tuổi thì giờ đây khi anh 55 tuổi vẫn hóa thân vào nhân vật Cám, hợp cùng nghệ sĩ Hữu Châu đã 50 tuổi vai Dì Ghẻ với lối diễn ngày càng đậm đà của người đã có độ chín của nghề khiến những tình tiết, hành động của vở kịch được cả hai nghệ sĩ khéo léo kẻ tung người hứng làm cho những khán giả từ các em thiếu nhi đến người lớn tất thảy đều ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Mua vé khó như xếp hàng mua... iPhone
Xếp hàng từ 11 giờ trưa đến 18 giờ tối để mua vé xem kịch Tấm Cám.
Cũng chính vì sức hút quá lớn của vở hài kịch này nên việc có được những tấm vé để cùng gia đình bạn bè đi xem trong những ngày hè lắm khi lại rất khó khăn. Một số người khi xếp hàng mua vé nói vui rằng mua vé kịch Tấm Cám còn khó hơn xếp hàng mua điện thoại iPhone ở bên Mỹ mỗi khi dòng sản phẩm này ra mắt phiên bản mới. Vì thời gian vừa qua sân khấu kịch Idecaf bị phe vé chợ đen thao túng khiến nhiều khán giả bức xúc nên hè năm nay sân khấu đã thay đổi cách thức bán vé và siết chặt về kiểm soát lượng người mua hơn.
Thông thường trước ngày diễn khoảng 10 ngày thì sân khấu sẽ thông báo trên trang fanpage mạng xã hội Facebook về ngày giờ bán vé, số lượng vé phát hành là 200 vé và ưu tiên cho 50 người đến xếp hàng trước, mỗi người được quy định mua 4 vé và chỉ được xếp hàng mua một lần sau đó nhân viên bán vé sẽ quay phim và chụp hình người mua lại để tránh trường hợp những người bán vé chợ đen đến xếp hàng vào những lần kế tiếp khiến cho những khán giả thật sự khó có cơ hội mua vé.
Vé được bán vào thứ Hai hàng tuần vào lúc 18 giờ, nhưng khoảng 11 giờ trưa đã thấy khán giả đến xếp hàng mua vé, có những bạn sinh viên vừa gặm bánh mì vừa lót dép ngồi đợi, xen lẫn đó là vài người của phe vé chợ đen và nhiều người nữa là bạn bè, người thân, con cái của những người bán vé chợ đen đã ngồi đợi sẵn. Minh, sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành vừa xếp hàng dưới cái nắng gay gắt của mùa hè vừa nói: “Em xếp hàng ở đây từ 12 giờ trưa đến 18 giờ 30 mới mua được vé, mệt và nắng quá nhưng vì muốn xem vở kịch này nên phải chịu thôi. Lần trước em mua hụt vé và có người rao bán cho em một cặp vé với giá 1,1 triệu đồng nhưng em nói không với vé chợ đen, thế nhưng em thấy có người vẫn mua với giá 1,5 triệu đồng”.
Theo ghi nhận của người viết, nhiều khán giả cho biết giá vé 150.000-200.000 đồng/vé nhưng lần nào cũng bị chợ đen đẩy lên từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng/cặp vé tùy chỗ ngồi.
Mùa hè này không chỉ vở Tấm Cám hay Hợp đồng mãnh thú của sân khấu Idecaf có hiện tượng vé chợ đen mà còn có ở các sân khấu kịch khác và chỉ xảy ra với các vở diễn có tiếng vang trong lòng khán giả như Người vợ ma (sân khấu kịch Hồng Vân), Cõng mẹ đi chơi (sân khấu kịch Thế Giới Trẻ).