Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Xét nghiệm viên, những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19 tại TPHCM

(SGTT) - Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, hàng ngày đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga vẫn thầm lặng công việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm được gởi đến từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC). Họ làm việc không kể ngày đêm, không có cả thời gian ăn, ngủ với công suất gấp đôi ngày thường để cho kết quả xét nghiệm một cách nhanh và chính xác nhất.

Từ đầu tháng Bảy đến nay, đèn trong phòng xét nghiệm sinh học phân tử tại Chi nhánh phía Nam Trung tâm nhiệt đới Việt Nga luôn luôn sáng. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, công tác xét nghiệm vô cùng quan trọng để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, khoanh vùng và truy vết nhanh, không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Vì thế, hơn 2 tuần nay Trung tá Tiến sĩ Lương Thị Mơ, Trưởng phòng Y sinh Nhiệt đới Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, và các đồng nghiệp vẫn chưa về nhà chăm sóc gia đình. Chị và e-kíp luôn xác định tính quan trọng trong nhiệm vụ của mình. Bất chấp ngày đêm, chị Mơ và các kỹ thuật viên tất bật trong công việc xét nghiệm tìm ra những mẫu dương tính để báo về ngành y tế thành phố, kịp thời việc giúp thành phố phát hiện ổ dịch mới.Chị Mơ có những ngày nhận được thông báo nhận mẫu rất trễ tầm 22:00 thì tầm 1:00 sáng, các trung tâm y tế mới chở mẫu đến. Tuy là tình hình như vậy nhưng mọi người vẫn cố gắng phân loại mẫu, tách chiết, chạy PCR và cho ra kết quả trả lời cho HCDC trong thời gian sớm nhất là sáng hôm sau.

Công tác xét nghiệm RT-PCR để phát hiện ARN của SARS-CoV-2 là công việc hết sức nguy hiểm vì luôn tiếp xúc với mầm bệnh và đòi hỏi độ chính xác cao. Từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… tất cả các quy trình đều phải thật tỉ mỉ, chuẩn xác kết quả và thật an toàn trong công việc vì bất kỳ sự cẩu thả nào cũng có thể làm phát tán virus ra bên ngoài.

Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, cho biết "Liên quan khâu nhận mẫu đến cuối cùng trả kết quả, chúng tôi đều thực hiện đúng quy định nghiêm ngặt của ngành, theo các quy định chuyên môn. Tại đây, chúng tôi có 2 bộ phận có thể tiến hành xét nghiệm 24/24, chia ra các kíp, các tổ đảm bảo thực hiện công tác xét nghiệm đạt được lượng mẫu tối đa nhất".

Hiện tại công xuất xét nghiệm là 1.200 mẫu đơn/ngày và trả kết quả xét nghiệm sau 24 giờ. Tính từ ngày 5-7 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 6.434 mẫu tương đương 60.375 lượt người, đã làm xong 5.867 mẫu, phát hiện ra 282 mẫu dương tính. Hiện tại đơn vị đảm nhiệm nhiệm vụ cả 2 mặt trận tại các tỉnh phía Bắc và tại TPHCM.

Thượng tá Bác sĩ CKII Hoàng Đức Hậu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu-điều trị kỹ thuật cao, Viện y sinh Nhiệt đới - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, cho hay "trong chi nhánh phía Nam chúng tôi đã triển khai 1 phòng xét nghiệm và 1 xe labo xét nghiệm, mục đích là phối hợp cả cơ sở chính và cơ sở phía Nam đều tăng cường công tác phòng chống dịch cho toàn quốc nói chung và cho Hà Nội và TPHCM nói riêng".

Với đặc thù công việc, đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm vẫn lặng lẽ, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ của mình. Họ đã lấy công việc làm niềm vui, biến khó khăn thành hành động, vượt qua mọi tâm lý, trở ngại về nguy cơ phơi nhiễm Covid-19 để sát cánh cùng với nhân dân và đội ngũ y tế của TPHCM vượt qua đại dịch.

Hồ Lê

Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Xem chi tiết tại đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối