Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Xin con nuôi, cứ theo luật sẽ dễ

Vợ chồng anh A. bị hiếm muộn nên muốn nhận con nuôi, nhưng vì năm tới họ sang Mỹ định cư nên phân vân giữa việc xin con nuôi bây giờ hay chờ cuộc sống ổn định mới quay về Việt Nam xin.

Xin con trong nước: 30 ngày và UBND xã quyết định

Theo luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, nếu vợ chồng anh A. có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đáp ứng những quy định của pháp luật (hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, sức khỏe tốt, kinh tế ổn định, có tư cách đạo đức tốt...) thì đủ điều kiện được nhận con nuôi theo quy định của pháp luật (Luật Nuôi con nuôi). Theo đó, luật quy định công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú. Nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến UBND cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết.

Sau khi tìm được đối tượng nhận con nuôi, người nhận con nuôi nộp hồ sơ của mình và của người được nhận làm con nuôi tại UBND cấp xã nơi người được nhận làm con nuôi thường trú. UBND cấp xã kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người có liên quan; công chức tư pháp-hộ tịch ghi vào sổ đăng ký việc nuôi, chủ tịch UBND cấp xã ký Giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, cơ sở nuôi dưỡng lập danh sách gửi Sở Tư pháp. Ảnh chụp tại một nhà nuôi trẻ mồ côi ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thành Hoa
Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, cơ sở nuôi dưỡng lập danh sách gửi Sở Tư pháp. Ảnh chụp tại một nhà nuôi trẻ mồ côi ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thành Hoa

Ông Kính cho biết, thời hạn giải quyết hồ sơ xin con nuôi theo quy định là 30 ngày với lệ phí là 400.000 đồng. Trong đó, kiểm tra hồ sơ và lấy ý kiến 10 ngày, ghi vào sổ đăng ký việc nuôi con nuôi và Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, giao-nhận con nuôi 20 ngày.

Quy định thì đơn giản như vậy, nhưng trên thực tế, theo ông Kính, việc nhận con nuôi không hề đơn giản với rất nhiều thủ tục giấy tờ. Như người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi phải đáp ứng đầy đủ các giấy tờ từ thông tin tùy thân đến giấy khám sức khỏe, quyết định của tòa án... Để hoàn thiện được các thủ tục giấy tờ như trên, ông Kính cho biết, có không ít trường hợp phải mất đến vài năm mới xin được con nuôi.

Còn theo ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch (Sở Tư pháp TPHCM), trong trường hợp người được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi thì quy định yêu cầu phải có xác minh của công an đối với nhân thân của trẻ. Việc này, theo ông Vũ, mất khá nhiều thời gian, vì những người cố tình bỏ rơi trẻ không để lại thông tin, hoặc thông tin không chính xác.

Có yếu tố nước ngoài: Bộ Tư pháp quyết định

Cũng theo luật sư Lê Thành Kính, quy định pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài còn khó hơn. “Điều 4.3 Luật Nuôi con nuôi quy định chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước”, ông Kính nói.

Theo Luật Nuôi con nuôi, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và các quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, người xin nhận con nuôi ngoài một số điều kiện như người trong nước thì còn phải có văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam; bản điều tra về tâm lý, gia đình; văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe; văn bản xác nhận thu nhập và tài sản... Tất cả giấy tờ này phải hợp pháp hóa lãnh sự.

Theo đó, đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì UBND cấp xã có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ; trong thời hạn 60 ngày nếu có người trong nước nhận trẻ làm con nuôi thì chính quyền cấp xã xem xét, giải quyết còn không thì lập hồ sơ đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng. Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, cơ sở nuôi dưỡng lập danh sách gửi Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo ba lần liên tiếp trên báo viết hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác của tỉnh. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với UBND cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ làm con nuôi thì Sở Tư pháp gửi danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế cho Bộ Tư pháp để bộ này tiếp tục thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi (60 ngày nữa), nếu vẫn không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp tìm người nhận con nuôi là người nước ngoài.

Theo quy định pháp luật hiện nay, trách nhiệm kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em có đủ điều kiện được cho làm con nuôi thuộc Sở Tư pháp (thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ). Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi cần được xác minh thì Sở Tư pháp đề nghị cơ quan công an có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản (thời hạn 30 ngày), kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp. Sau khi kiểm tra, xác minh nếu thấy trẻ có đủ điều kiện để cho làm con nuôi nước ngoài thì Sở Tư pháp xác nhận và gửi Bộ Tư pháp. Tiếp theo, các thủ tục được Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng quy trình, mất thêm vài chục ngày.

Như vậy, theo luật, nếu mọi thủ tục pháp lý đầy đủ cũng như tất cả các điều kiện khác thuận lợi thì việc xin, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài (người nước ngoài xin con nuôi Việt Nam hoặc người Việt Nam xin con nuôi người nước ngoài) cũng mất vài trăm ngày và việc quyết định thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài là 9 triệu đồng/trường hợp. Mức thu chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài là 50 triệu đồng/trường hợp.

[box type="download"] Đáp ứng nhu cầu nước sở tại trước khi đến Việt Nam

Mỹ và Việt Nam mới nối lại việc xin con nuôi từ ngày 16-9-2014 sau khi việc này bị ngưng lại từ năm 2008. Theo hướng dẫn mà Văn phòng Các vấn đề về trẻ em thuộc Cục Lãnh sự Hoa Kỳ (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) đưa ra, công dân Mỹ muốn xin con nuôi tại Việt Nam phải trải qua tuần tự sáu bước.

Trong đó đầu tiên là chọn một tổ chức cung cấp dịch vụ con nuôi được Bộ Tư pháp Việt Nam cấp phép hoạt động. Hiện Bộ Tư pháp Việt Nam cấp phép hoạt động cho hai tổ chức con nuôi của Hoa Kỳ là Dillon International và Holt International Children’s Services. Theo bà Đàm Thị Thúy Hằng, Giám đốc Holt International Việt Nam, theo Công ước La Hay về con nuôi quốc tế, cha mẹ xin con nuôi nước ngoài không được gửi đơn trực tiếp lên Bộ Tư pháp mà gửi qua tổ chức cung cấp dịch vụ con nuôi được Việt Nam cấp phép.

Những bước còn lại trong quy trình sáu bước này gồm nộp đơn lên Sở Nhập cư và công dân Mỹ (USCIS); chờ các cơ quan có liên quan tại Việt Nam xem xét để đảm bảo người xin con nuôi phù hợp với trẻ thuộc diện con nuôi tại Việt Nam; nộp đơn lên USCIS để xem xét liệu trẻ được nhận làm con nuôi có hợp pháp để nhập cư vào Mỹ và được Mỹ đồng ý để tiếp tục giải quyết việc nhận con nuôi; đồng ý nhận nuôi trẻ; và bước cuối cùng là lấy visa nhập cư của Mỹ và đưa trẻ về nhà.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, việc nhận con nuôi cũng phức tạp nếu người được nhận làm con nuôi thuộc danh sách 1. Trẻ được nhận nuôi hiện được chia làm hai danh sách, gồm danh sách 1 (trẻ bình thường) và danh sách 2 (trẻ có nhu cầu đặc biệt – tức trẻ khuyết tật, trẻ mắc bệnh hiểm nghèo; trẻ trên 5 tuổi, và trẻ có anh chị em đã được nhận làm con nuôi). Với trường hợp trẻ thuộc danh sách 1 mà chưa xác định một trẻ cụ thể nào, thủ tục và quy trình để nhận trẻ làm con nuôi khá phức tạp, đòi hỏi quy trình gửi đi gửi lại nhiều lần giữa Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, thành phố, liên quan đến việc ghép trẻ trong danh sách với gia đình có nhu cầu nhận con nuôi.

Liên quan đến việc Mỹ và Việt Nam nối lại việc nhận con nuôi, việc nối lại này chỉ được tiến hành với những trẻ thuộc danh sách 2. Theo bà Đàm Thị Thúy Hằng, bà có nghe thông tin có nhiều người có nhu cầu nhận con nuôi Việt Nam gửi hồ sơ đến từ Holt International Children’s Services tại Mỹ. “Cũng có nhiều trường hợp người xin con nuôi là những người đã từng đến Việt Nam để tham gia các chương trình thiện nguyện cho trẻ và họ muốn nhận một số trẻ này làm con nuôi. Tuy nhiên, những trẻ này lại không thuộc trong danh sách 2, nên các trường hợp này không thể được giải quyết”, bà Hằng nói.[/box]

Thu Nguyệt - Đá Bàn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối