Trần Đăng Quang (trường Đại Học Quốc gia TPHCM) -
Đầu tháng 2 này, khi quy định xử phạt người đại- tiểu tiện, phóng uế bừa bãi ở nơi công cộng – thông qua nghị định mới được ban hành năm 2016, với mức phạt tiền tăng lên gấp mười lần so với quy định cũ – bắt đầu có hiệu lực, thì cũng là lúc nhiều cư dân, nhất là những người sống tại các đô thị lớn tỏ ra băn khoăn, lo ngại bị vi phạm quy định và không biết tìm sao cho ra nhà vệ sinh công cộng khi cần.
Trên thực tế, vẫn có quá ít nhà vệ sinh công cộng so với nhu cầu của người sử dụng và chỉ tập trung ở các quận trung tâm thành phố, thưa dần khi ra các quận ven. Dường như cũng chưa có nguồn thông tin chính thức nào cung cấp cho người dân danh sách các điểm có đặt nhà vệ sinh công cộng theo quận, huyện hay khu vực.
Điển hình khu vực quận 1 của TPHCM có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng. Chỉ quanh khu vực chợ Bến Thành-công viên 23 Tháng 9 đã có tới cả gần chục cái nhà vệ sinh công cộng, khiến việc giải quyết “bầu tâm sự” của người dân, du khách khá thuận tiện. Nhưng chỉ cần ra tới khu vực quận Bình Thạnh thì số lượng nhà vệ sinh công cộng thưa vắng. Còn từ xa lộ Hà Nội thuộc địa bàn quận 2, chạy về Thủ Đức, quận 9 – với đoạn đường này dài cả chục cây số – thì tuyệt nhiên không có một điểm nhà vệ sinh công cộng nào. Trong trường hợp này, nếu người đi đường muốn giải quyết “bầu tâm sự” sẽ hầu như không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc cố chịu đựng hoặc là tìm đến vệ đường. Không chỉ ở tuyến xa lộ Hà Nội nói trên mà dọc theo các tuyến đường ra vào TPHCM cũng hầu như không có, hoặc có rất ít nhà vệ sinh công cộng và rất bẩn.
Nhiều lần ra Hà Nội, tôi cũng thấy tình cảnh tương tự. Nhà vệ sinh công cộng có rất nhiều ở khu trung tâm của thành phố, như các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình... và rất khó tìm ở khu vực quận Cầu Giấy, Tây Hồ. Dọc đại lộ Võ Nguyên Giáp, hay cao tốc Thăng Long-Nội Bài dài đến cả vài chục cây số nhưng các nhà kiến trúc quy hoạch cũng “quên” luôn việc xây nhà vệ sinh công cộng để phục vụ người dân và du khách.
Theo tôi, một khi muốn làm nghiêm việc phạt hành vi tiểu tiện, phóng uế nơi công cộng thì TPHCM (hay các thành phố khác cũng vậy) cũng cần phải chú trọng việc đầu tư xây dựng nhiều hơn nữa các điểm nhà vệ sinh công cộng từ khu vực nội đô cho đến vùng ven đô, cũng như đặt ở những nơi có các trục lộ giao thông đông đúc để tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt. Lúc đó, những người thiếu ý thức về việc giữ gìn vệ sinh công cộng sẽ không còn lý do để biện hộ cho hành vi sai trái và xấu xí của mình nữa. Việc phạt tiền, phạt lao động công ích đối với người vi phạm quy định sẽ hữu hiệu, ý thức của người dân cũng sẽ được nâng cao.
Tôi thấy ở một số nước châu Âu, Nhật Bản và Thái Lan, người ta đặt nhà vệ sinh ở dọc các con đường, xa lộ, với khoảng cách nhất định lại có một điểm. Trong các quận nội thành thì điểm nhà vệ sinh là quá nhiều và thậm chí nó còn được in đánh dấu lên bản đồ du lịch để du khách có thể dễ dàng tìm được chỗ khi cần đến.