Thái Hà -
Tiếp bước mô hình không gian làm việc chung (co-working space) vốn đang nổi lên khá mạnh hiện nay, ở một số nơi đã xuất hiện mô hình không gian sống chung (co-living).
Sống chung với người lạ
Một số người cho rằng, trong tương lai mô hình co-living sẽ đánh bại mô hình cho thuê nhà kiểu truyền thống.
Thực ra, co-living không xa lạ với văn hóa phương Tây. Các sê-ri phim truyền hình ăn khách như Friends, New Girl có kịch bản xoay quanh đời sống hàng ngày của một nhóm bạn sống chung với nhau trong một ngôi nhà. Đi du lịch nước ngoài, ngoài các hình thức khách sạn, phòng trọ, còn hình thức “dorm”, tức là ngủ giường tầng, dùng bếp chung, phòng vệ sinh chung… Mô hình này thu hút nhiều du khách ba-lô.
Co-living hiện đại kết hợp các yếu tố trên, nhưng nó không tạm bợ, “đến và đi” liên tục như ở “dorm”, cũng không cần mức độ gắn kết đến mức những người sống chung trong một căn nhà phải là bạn bè của nhau như trong Friends hay New Girl. Co-living cho phép người thuê sống trong không gian tốt hơn, dài hạn hơn mà không ràng buộc nhiều.
Nộp đơn xin vào sống trong một căn hộ ở thành phố New York của công ty Pure House, người thuê sẽ phải trả lời một số câu hỏi giống như các trang hẹn hò, tìm bạn tình qua mạng, chẳng hạn như sở thích của bạn là gì, thói quen của bạn là gì, những mẫu người lý tưởng đối với bạn… Công ty sẽ xếp người thuê đó vào sống chung với một tập hợp người cùng tính cách như người đó.
Giá thuê hàng tháng của một căn hộ nhỏ xíu với một giường ngủ tại New York không dưới 2.500 đô la Mỹ, lại ở xa khu trung tâm. Người thuê phải đặt cọc trước, phải ký hợp đồng thuê ít nhất 12 tháng, phải có lịch sử thuê nhà tại thành phố. Ngoài ra, chỗ thuê không có dịch vụ nào đi kèm hết. Pure House không yêu cầu những điều ngặt nghèo như thế, người thuê có thể chỉ cần thuê 30 ngày cũng được, ở chung trong những căn hộ gần khu trung tâm. Mỗi căn hộ có 4-6 phòng ngủ, 2-3 khu vệ sinh chung, bếp ăn chung, phòng khách chung, thậm chí có cả chỗ tập gym nữa, mỗi người một phòng ngủ. Với 2.500 đô la hàng tháng, người thuê được cung cấp dịch vụ giặt ủi miễn phí, tập yoga, thậm chí cả mát-xa nữa.
“Chúng ta sống trong một thành phố hàng chục triệu người, thiếu kết nối về mặt tình cảm, và ai cũng cảm thấy thực sự cô đơn ở đây. Mục tiêu của chúng tôi là biến chuyện này thành chuyện nhỏ”, Harrison Iuliano, người quản lý Pure House trả lời phỏng vấn tờ The New York Times. Pure House là một trong số nhiều công ty cung cấp chỗ ở tại New York, riêng ở khu Williamsburg thuộc thành phố này, họ cho 40 người thuê trong 9 căn hộ ở các tòa nhà khác nhau.
Russell Jackson, một đầu bếp 52 tuổi, cũng cho thuê căn nhà riêng của mình để thuê một chỗ ở trong căn hộ 6 giường ngủ của Pure House. “Tôi thấy vui khi mỗi lần bước về căn hộ lại có ai đó hỏi mình: Hôm nay anh thế nào?”, Jackson nói. Thỉnh thoảng, Jackson lại chỉ huy các bữa tiệc Pure House tổ chức. “Có bữa tiệc, chẳng ai trong số 40 người thuê chỗ ở Pure House biết nhau, nhưng đến khi tiệc tan, mọi người đều ôm chặt nhau khi ra về”, Jackson nhớ lại.
Thách thức mô hình truyền thống
Ollie, Common, We Live, Quarters, Urby là các công ty mạnh khác đang phát triển mô hình co-living. Ollie thuê 13 trong 42 tầng nhà ở khu cao ốc Northern Boulevard để làm. Công ty này có 426 phòng ngủ trong các căn hộ 2-3 phòng ngủ, mỗi suất ở có giá từ 1.450 đô la mỗi tháng, đủ các tiện nghi. Công ty này cũng đã phát triển ứng dụng di động Bedvetter để giúp người thuê chọn loại căn hộ, người sống chung. Một công ty khác là Stage 3 đã hoàn tất 180 căn hộ để đưa hơn 400 người vào sống.
We Live là công ty con của WeWork, người khổng lồ trong lĩnh vực kinh doanh không gian làm việc chung co-working. WeWork thành lập năm 2010, có văn phòng ở 49 thành phố thuộc 15 quốc gia, được định giá 20 tỉ đô la Mỹ. Hiện chỉ riêng khu Wall Street, We Live đã có 200 căn hộ cho thuê kiểu co-living, người ở có thể thuê ngày hoặc thuê tuần.
Hầu hết các công ty khai thác co-living ở New York không sở hữu các bất động sản, họ đóng vai trò quản lý tài sản, thuê dài hạn các căn hộ, sửa sang và cho thuê lẻ. Hình thức mang lại lợi nhuận tốt này đang được nhiều công ty hay cá nhân có bất động sản quan tâm tham gia.
Ryan Fix, người sáng lập Pure House cho rằng mô hình co-living trong tương lai sẽ đánh bại mô hình cho thuê nhà kiểu truyền thống: những người chủ nhà cột chặt người thuê trong hợp đồng dài hạn, không xem người thuê như một khách hàng xứng đáng được chăm sóc tử tế. “Mô hình truyền thống đang vỡ vụn. Chúng tôi đang phấn đấu cung cấp những trải nghiệm lý thú cho khách hàng với những cái ôm thật chặt”, ông Fix nói.
Nhiều mối tình đã bắt đầu từ các co-living, như nhà khởi nghiệp trẻ Derek Pankaew 29 tuổi với nhà thiết kế nữ trang Wenxi Zhao 23 tuổi. Họ không thuê căn hộ riêng, mà vẫn sống ở co-living với những người lạ khác. Khi gặp trục trặc về tình cảm thì mỗi người vẫn một không gian riêng.
Một căn hộ bình thường, theo Pankaew thì buồn tẻ, nhưng sống ở co-living cũng có những thách thức riêng. Ví dụ như khi có người say xỉn, và rồi nếu hai người có cãi lộn nhau thì cả 30 người khác đều muốn biết nguyên nhân. Cái gì cũng có mặt hay và mặt dở, nhưng ở những nơi đông người, tấc đất tấc vàng, mảnh đất hứa thì co-living vẫn là sự lựa chọn tốt, đặc biệt với thế hệ trẻ mà ta gọi là “công dân toàn cầu” hiện nay.