Những năm gần đây, chương trình học nghề 9+ sau khi tốt nghiệp THCS đã trở thành lựa chọn của nhiều học sinh để có thể tiếp cận sớm với thị trường lao động. Các học viên vừa được trang bị trình độ chuyên môn kỹ thuật vừa có cơ hội tìm việc làm tốt, thu nhập ổn định.
- Học nghề ngắn hạn
- Phi công – chi phí học nghề là gánh nặng
- Năm học mới, TPHCM tăng gần 22.000 học sinh nhưng thiếu giáo viên
Với chương trình học nghề 9+ không chỉ học sinh tốt nghiệp cấp 3, mà ngay cả học sinh mới hết cấp 2 cũng có thể đăng ký học hệ trung cấp, cao đẳng của chương trình này. Học nghề hệ 9+ được xem là giải pháp đáp ứng yêu cầu phân luồng sau bậc THCS; từ đó giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho cả người học và xã hội.
Theo N.H.T, từng là học sinh lớp 9 của Trường THCS Lê Văn Công (huyện Nhà Bè, TPHCM), vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm học 2021-2022 vừa qua, T. đã quyết định không thi vào lớp 10 bậc THPT mà chuyển hướng sang học nghề tại Trường trung cấp kinh tế – kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh.
Việc chọn học tại trường nghề vừa được hỗ trợ học phí, đồng thời ra trường còn được hỗ trợ giới thiệu việc làm, không lo thất nghiệp. Khi đi làm sớm cũng có thể giúp kinh tế cho gia đình, cùng bố mẹ lo cho các em nhỏ ăn học, T. chia sẻ.
Ngoài ra, em N.T.T từng là học sinh lớp 9 tại trường THCS Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TPHCM), cho biết hai năm trước, sau khi học xong THCS, thay vì thi vào một trường THPT trên địa bàn thành phố, T. đã quyết định lựa chọn học hệ 9+ vừa học văn hóa và vừa học nghề tại khoa Cơ khí của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng.
Đến năm 2021, với hai tấm bằng là tốt nghiệp THPT và bằng nghề trong tay, T. được trường giới thiệu làm việc tại một công ty chuyên sản xuất, chế tạo các dòng máy cán nguội định hình kim loại với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Theo T., trong suốt quá trình học tập, học sinh trong trường được miễn học phí. Ngoài ra còn sớm được cọ xát công việc thực tế tại doanh nghiệp nên khi ra trường, T. đã bắt tay vào làm việc mà không phải đào tạo thêm. Vừa ra trường lại có công việc ổn định khiến chàng trai này cảm thấy rất hài lòng khi quyết định theo học chương trình 9+ sau khi tốt nghiệp THCS.
Nói về chương trình học nghề 9+, Tiến sĩ Đinh Văn Đệ, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (quận Tân Bình, TPHCM), cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ còn chưa cao. Tình trạng thiếu lao động kỹ thuật đã tồn tại trong thời gian dài và ngày càng có xu hướng gia tăng. Vì vậy, cơ hội việc làm cho học sinh hệ 9+ sau khi ra trường rất lớn.
Những năm gần đây, việc sớm gia nhập thị trường lao động là mục tiêu rõ ràng được phần lớn người học hệ 9+ đặt ra. Học nghề sớm giúp học sinh sớm có kỹ năng và trình độ, linh hoạt trong chuyển đổi công việc. Đặc biệt là hiện nay, với công nghệ hiện đại, tự động hóa cao nên ngày càng có nhiều nghề mới xuất hiện thay thế các nghề cũ, ông Đệ cho biết.
Theo ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM, năm học 2022-2023, nhà trường tuyển sinh sáu lớp 10 cho tất cả 8 ngành nghề. Trong đó, nhiều ngành nghề tại trường thu hút học sinh có thể kể đến là Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Quản trị doanh nghiệp và Quản trị bếp và ẩm thực. Vào tháng 7 – thời điểm TPHCM công bố điểm chuẩn lớp 10, có khá nhiều phụ huynh quan tâm, tìm hiểu đến chương trình học bậc THPT hệ 9+. Hằng ngày, nhiều phụ huynh đến trường để tìm hiểu và tiến hành nộp hồ sơ sớm giữ suất nhập học cho các em học sinh, kể cả vào ngày cuối tuần.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, những năm trở lại đây, học nghề hệ 9+ đang được nhiều học sinh lựa chọn. Việc học theo chương trình này cũng được Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đặc biệt quan tâm và hỗ trợ người học bằng nhiều chính sách như miễn giảm học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, trao học bổng… Chương trình học nghề này đã góp phần không nhỏ đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
Minh Thảo
Theo Kinh tế Sài Gòn Online