Nguyễn Huy -
Vào ngày 1 và 2-12, vũ đoàn Urban Dance Group (UDG) của Dancenter sẽ trình diễn vở múa Between Us 2017 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (quận 2, TPHCM). Đây cũng là dịp Dancenter - một lò múa tư nhân tại Việt Nam kỷ niệm 10 năm đi vào hoạt động.
Trong chừng đó thời gian, lò đào tạo này đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ múa đương đại. Những diễn viên nổi bật này sau thời gian cống hiến trong vai trò diễn viên cũng tách riêng ra mở lò đào tạo. Tuy nhiên, họ đã gặp không ít khó khăn và thách thức.
Có thêm nhiều lò múa tư nhân
Nghệ sĩ múa Linh Rateau, một người Pháp có cha là người Việt, đã về Việt Nam thành lập Dancenter vào năm 2007. Tại đây, chị tập trung vào thể loại jazz nói riêng và đương đại nói chung, cũng như ballet.
Lúc đó, tại Việt Nam trường múa quốc doanh chỉ đào tạo nghệ thuật múa truyền thống và ballet, còn thể loại múa đương đại như hip-hop và jazz chưa được đào tạo có hệ thống. Theo nhiều người am hiểu, những vũ đoàn múa, khi ấy, chủ yếu học lóm các nghệ sĩ múa hay còn gọi là dancer nước ngoài rồi dàn dựng thành các tiết mục múa minh họa cho ca sĩ.
Để mở ra chương trình đào tạo múa đương đại có hệ thống và cập nhật được xu hướng thời đại, Dancenter áp dụng giáo án của các trường quốc tế, và mời nhiều nghệ sĩ múa nổi tiếng ở nước ngoài về hỗ trợ đào tạo, trong đó có biên đạo múa John Huy Trần.
Với vai trò là biên đạo của Dancenter, John Huy Trần tuyển chọn các học viên giỏi của Dancenter và thành lập nhóm múa đương đại UDG. Qua sự huấn luyện của John Huy Trần cùng các nghệ sĩ nước ngoài, nhiều học viên có cơ hội rèn luyện và phát triển tài năng.
Khi biên đạo múa John Huy Trần được mời giữ vai trò phụ trách chuyên môn của cuộc thi So you think you can dance – Thử thách cùng bước nhảy của kênh tuyền hình HTV, anh đã mang các học trò của mình đến đây thi tài cùng các bạn trẻ yêu thích múa đương đại trên toàn quốc.
Tại đây, Lâm Vinh Hải, Đỗ Quang Đăng, Hoàng Mến và nhiều người khác đã tạo ấn tượng mạnh và trở thành những ngôi sao tại môi trường nghệ thuật Việt Nam. Từ múa phụ họa cho các ca sĩ, họ đã trở thành nhân vật chính trong những vở múa có nội dung câu chuyện, hoặc là những hoạt cảnh mà nghệ sĩ múa đóng vai trò chủ đạo.
Theo thời gian, nghệ sĩ múa từ lò Dancenter cũng như các diễn viên đến từ các trường chính quy đã được công chúng yêu thích. Từ đây, tạo nên một trào lưu yêu thích học múa rộng rãi trong công chúng. Nhìn thấy nhu cầu học múa tăng cao, nhiều nghệ sĩ múa từ Dancenter, như Hoàng Mến, Đỗ Quang Đăng, đã tách riêng mở các trung tâm tư nhân dạy múa.
Đỗ Hải Anh, quán quân So you think you can dance – Thử thách cùng bước nhảy mùa thứ tư là sinh viên trường Múa TPHCM. Sau khi được nhiều người biết đến, Hải Anh được mời tham gia trình diễn nhiều chương trình, từ sự kiện trong nước đến quốc tế.
Bên cạnh đó, cô cũng nhận được nhiều lời đề nghị dạy múa từ các phụ huynh. Trước yêu cầu này, cách đây 6 tháng, Hải Anh đã tiếp bước các đồng nghiệp, mở ra trung tâm dạy múa riêng.
Trong cuộc thi So you think you can dance, Hải Anh trình diễn kỹ thuật múa đương đại xen lẫn ballet, nhưng về cơ bản cô được đào tạo ballet chính quy nên trường múa của nữ diễn viên trẻ này cũng chuyên về ballet.
Hải Anh chia sẻ: “Nhiều bạn thành danh từ cuộc thi So you think you can dance có thế mạnh về jazz, hip-hop, thì khi mở studio họ cũng tập trung giảng dạy thể loại này”.
“Tôi nhận thấy mình giỏi ballet hơn nên đi sâu vào kỹ thuật múa ballet. Vì vậy, đối tượng chính mà chúng tôi nhắm đến là các bé gái có thiên hướng ballet. Chúng tôi hy vọng sau thời gian hoạt động chúng tôi sẽ cho ra đời nhiều tài năng ballet cho Việt Nam”, cô nói thêm.
Linh Rateau – người sáng lập Dancenter chia sẻ: “Theo đánh giá của tôi, nhu cầu muốn trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp trong xã hội đang tăng. Một mình Dancenter không thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn đó. Việc các bạn mở studio riêng cho mình sẽ góp sức đưa kỹ thuật múa đúng tiêu chuẩn quốc tế đến được với nhiều đối tượng”.
Gặp nhiều thử thách
Việc các nghệ sĩ múa trẻ mở lò đào tạo riêng được đánh giá là tín hiệu tích cực cho lĩnh vực múa. Dù vậy, trên thực tế, họ đương đầu với rất nhiều khó khăn. Vì phần lớn họ còn khá trẻ tuổi, khả năng tích lũy tài chính chưa được nhiều, nên họ chưa đủ khả năng thuê các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp trong nước và ngoài nước hỗ trợ giảng dạy.
Bên cạnh đó, họ cũng không đủ tiền để xây dựng phòng tập riêng, và phải thuê mặt bằng tại trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao để làm nơi đào tạo. Hiện cũng khó thuê lâu dài các mặt bằng rộng rãi để mở trung tâm đào tạo, vì các chương trình trò chơi truyền hình đang thịnh hành, nên các nhà sản xuất tranh thủ thuê nhiều mặt bằng tốt.
Trong khi đó, các nghệ sĩ múa chủ yếu giỏi về chuyên môn chứ không giỏi kinh doanh nên lợi nhuận (từ việc mở lò đạo tạo) không cao. Vì vậy, xét về hiệu quả kinh tế, có thể nói phần lớn những nghệ sĩ mở các lò đào tạo tư nhân đều chưa thành công. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch duy trì lâu dài các cơ sở này.
Tính đến hiện tại, riêng khu vực phía nam, Dancenter vẫn là cơ sở đào tạo phát huy tốt về mặt hiệu quả kinh doanh lẫn chất lượng nghệ thuật. Trên thực tế, học phí tại đây cũng cao hơn các lò đào tạo khác nhưng giáo trình phong phú, giảng viên nhiều và có bằng cấp quốc tế. Unicorn studio của Đỗ Hải Anh cũng được đầu tư bài bản nên dần thu hồi vốn và được nhiều phụ huynh tin tưởng.
Với xu hướng mở nhiều lò đào tạo tư nhân, theo một số chuyên gia lĩnh vực này đây chỉ là phát triển về số lượng chứ chất lượng vẫn chưa tốt.