(SGTT) - Hiện nay, các bạn trẻ có xu hướng yêu thích sử dụng sản phẩm thiên nhiên sạch, đồ dùng được tái chế, những dòng mỹ phẩm nguồn gốc thiên nhiên, chính vì thế các sản phẩm theo xu hướng xanh sạch cũng phát triển ngày càng nhiều.
- Nhà làm từ rác thải nhựa sẽ sớm xuất hiện tại châu Phi
- Hãng nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam dùng chai nhựa tái chế
Tái chế rác thành các sản phẩm thủ công
Irecycle là một dự án kêu gọi cộng đồng đóng góp các loại đồ đã qua sử dụng như lịch cũ, giấy báo, vỏ chai nhựa để làm thành các sản phẩm tái chế. Dự án hướng đến tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho mọi người, do chị Nguyễn Thị Tình hiện đang sinh sống tại TP Hà Nội sáng lập.
Điểm khó nhất trong việc tái chế là chính là phân loại, sau đó kiểm tra để thống kê số lượng và kiểu dáng của “rác” thì mới đưa ra mô hình sản phẩm tái chế phù hợp, nếu thiếu vật liệu thì chị cùng các tình nguyện viên sẽ tìm phương án bổ sung hoặc thay thế.
Trước đây, dự án đã sử dụng các tấm lịch cũ để tái chế thành sách chữ nổi để dành tặng cho các trung tâm bảo trợ khiếm thị. Tuy nhiên, lịch cũ hiện nay không còn phù hợp để tái chế thành sách nữa, nên chị đã lên ý tưởng cho việc sử dụng lịch cũ để làm thành các sản phẩm thủ công khác.
Gần đây, ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng cao, nên quá trình thu gom hay tạo hoạt động sáng tạo nghệ thuật tái chế luôn được chào đón. Dù lượng vật liệu tái chế được mọi người gửi về rất nhiều, nhưng có những cuốn lịch thậm chí chưa gỡ nhãn mác và còn sử dụng được, điều đó làm chị cùng các tình nguyện viên rất buồn vì lãng phí, chị Tình chia sẻ thêm.
Các sản phẩm tái chế của dự án Irecycle khá đa dạng như các đồ trang trí cho các sự kiện, phông nền làm từ nhựa, trang phục biểu diễn thời trang, mô hình, túi xách thời trang. Đối với lịch thì tạo ra các sản phẩm như thiệp, bao lì xì, tranh xé dán, phụ kiện thời trang, sách, tờ rơi và được mọi người ủng hộ rất nhiều.
Đồ thủ công luôn cao hơn so với đồ in công nghiệp rất nhiều, nếu thiệp chúc tết công nghiệp có giá 2.000 đến 5.000 đồng tùy loại, thì với thiệp chúc tết làm thủ công sẽ có giá từ 30.000 đồng trở lên tùy mẫu, càng cầu kỳ tốn nhiều công giá càng cao.
Hiện tại, dự án Irecycle cũng đang thu gom lịch cũ để chuẩn bị tái chế cho triển lãm Tái Sinh, trưng bày tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) từ 24 đến 29-1-2021 nhằm gây quỹ xây dựng bảo tàng tái chế chế Xanh ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội).
Trạm Xanh nơi người trẻ Sài Gòn cùng sống xanh
Cũng với các hoạt động tái chế và làm ra các sản phẩm xanh bảo vệ môi trường, các bạn trẻ của Sài Gòn Compass đã hình thành một mô hình sản phẩm thủ công rất ấn tượng. Hiện nay, tại Trạm Xanh đang bày bán với hơn 20 nhãn hàng và hơn 100 sản phẩm.
Với những chiếc túi được khéo léo tạo ra từ chiếc quần jeans đã cũ, giỏ tạo từ lá sen, vật dụng từ tre, gỗ dừa, trà thảo mộc, xà bông thủ công từ dầu thực vật, các chất tẩy rửa được lên men từ phế phẩm của các loại vỏ dứa cam chanh khi nhà máy thải ra, luôn được mọi người lựa chọn sử dụng.
Chị Trần Thị Mai Yến- Đồng sáng lập Trạm Xanh chia sẻ: “ Mục đích mình mở cửa hàng trạm xanh, thứ nhất mình muốn chia sẻ lối sống xanh đến các bạn trẻ. Thứ hai là mình muốn giảm lượng rác thải ra môi trường và cái thứ ba là mình muốn lan tỏa hoạt động bảo vệ môi trường đến các địa phương khác”.
Ngoài các kệ hàng trưng bày các sản phẩm, Trạm Xanh còn thường xuyên kết nối với các tổ chức, tạo nên các buổi trao đổi kiến thức, phương pháp, kỹ năng về môi trường, như các buổi chiếu phim về môi trường, các buổi học làm xà phòng hay làm đồ tái chế cho mọi người cùng tham gia.
Mong muốn lớn nhất của Trạm Xanh là cộng đồng người sống xanh vì môi trường sẽ ngày càng phát triển và nhân rộng mô hình, đưa thiên nhiên vào trong cuộc sống hàng ngày nhiều hơn nữa. Cùng với đó là giúp cho tất cả mọi người có thể hiểu rõ nhất về những vấn đề của rác thải đối với môi trường xung quanh.
Minh Hoàng