Nguyễn Văn Mỹ -
Đọc tiêu đề, có lẽ nhiều người nghĩ ngay đến vương quốc Bhutan, dù chưa hề đặt chân tới, có chăng là qua Internet hay nghe người khác kể. Đem chuyện này vào lớp học hỏi sinh viên thấy kết quả thật bất ngờ. Lớp học bỗng sôi động vì nhiều ý kiến khác biệt, ai cũng ra sức chứng minh mình có lý nhất.
Nhìn sang xứ người
Nhóm đông nhất khẳng định Bhutan là xứ sở hạnh phúc vì không có tội phạm, nhà cửa không cần khóa. Ở vương quốc này, hơn 80% dân số ăn chay, đi làm phải mặc quốc phục, thủ đô không có đèn giao thông, cấm bán và hút thuốc lá, cấm chặt cây và giết thú rừng. Ở Bhutan, Chính phủ có hẳn một bô gọi là Bộ Hạnh phúc.
Nhóm ít hơn chọn các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ… là những đất nước giàu có với phúc lợi xã hội trên cả tuyệt vời. “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” (Unus pro omnibus, omnes pro uno) là khẩu hiệu của quốc gia Thụy Sĩ. Lâu nay, cứ tưởng khẩu hiệu “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” là của Việt Nam chánh hiệu. Hơn 500 năm, đất nước này chưa hề có chiến tranh, kể cả hai thế chiến khốc liệt.
Có bạn lại bảo Mỹ là xứ sở hạnh phúc. Chẳng thế mà nhiều người đang tìm mọi cách để nhập tịch. Nếu khốn khổ thì qua bên đó làm gì?
Có bạn cố chứng minh, Dubai, tiểu vương của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) mới là xứ sở hạnh phúc. Không có tài nguyên gì, toàn hoang mạc, dầu lửa chỉ chiếm 6% GDP (ít hơn cả Việt Nam), mới thành lập cuối năm 1971 nhưng thu nhập đầu người thuộc tốp ba của thế giới. Dubai miễn thuế đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… Sống ở đó, người ta tha hồ sáng tạo, thể hiện các ý tưởng khác người nhất.
Có bạn lại khăng khăng đảo quốc Singapore mới là xứ sở hạnh phúc. Dù diện tích chỉ bằng 1/460 của Việt Nam, dân số bằng nửa dân số Sài Gòn nhưng có hộ chiếu thuộc vào loại quyền lực nhất thế giới. Singapore mới thành lập năm 1965, “nhỏ nhưng có võ”, được cả thế giới ngưỡng mộ vì đất nước xanh, sạch, phát triển bền vững.
Số khác lại chọn vương quốc Brunei. Công dân Brunei được bao cấp mọi thứ, từ khi chưa lọt lòng cho đến khi chết, dù đất nước gần như không sản xuất. Kinh tế chủ yếu dựa vào dầu lửa nhưng mỗi đầu người có tới ba chiếc xe hơi riêng.
Có bạn lại quả quyết Campuchia mới hạnh phúc vì cả đất nước không có trạm thu phí. Người dân Khmer, cả trong và ngoài nước, hễ ai sinh ra ở Campuchia đều được miễn vé tham quan các di sản thế giới của tổ tiên để lại. Xe hơi đậu ngoài đường cả tháng cũng không ai dám bẻ kính chiếu hậu hay trộm logo, nói chi chuyện tháo bánh xe. Đi cả ngày không thấy cảnh sát hay trụ sở cơ quan nhà nước, không ai kiểm tra giấy tờ hay xét hỏi. Ăn buffet cũng không bị dán ticket lên ngực.
Cuộc khẩu chiến không có điểm dừng vì mỗi người hiểu và nghĩ về hạnh phúc khác nhau. Đó là khái niệm vừa cụ thể, vừa trừu tượng. Chỉ có điểm chung nhất: “Hạnh phúc là những niềm vui sướng của cá nhân và tập thể nhưng không ảnh hưởng hoặc gây hại cho người khác”. Hạnh phúc là được sống, làm việc, yêu thương theo cách của mình. Có người còn tổng kết: “Hạnh phúc nhất trên đời là được làm công việc mình thích và sống với người mình yêu”. Vế đầu có lý, vế sau chưa chắc. Mình yêu đơn phương chưa đủ, phải được yêu lại, cùng cộng hưởng thì mới hạnh phúc. Có người định nghĩa: “Hạnh phúc là những gì mình đang có”. “Ngó lên chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình”. So với thiên hạ chung quanh, mình còn vui sướng hơn biết bao người. Nguyễn Công Trứ từng đúc kết: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc/ Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” (tạm dịch: Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ/ Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?).
Hạnh phúc không tùy thuộc vào sự giàu nghèo và địa vị trong xã hội. Hình như tiền càng nhiều, địa vị càng cao thì hạnh phúc càng khan hiếm? Những nụ cười rạng rỡ và tràn ngập niềm vui nhất, đều của tầng lớp lao động và người nghèo khó.
Hồi nhỏ, lũ trẻ quê chúng tôi lớn lên giữa đồng ruộng như giun dế, nhưng đứa nào cũng hồn nhiên, hạnh phúc. Chỉ bắt đầu biết khổ khi lên tỉnh học, thấy nhiều đứa giàu sang, sung sướng hơn mình. Có đại gia từng thèm trở lại thủa hàn vi để “ăn ngon ngủ khỏe”, không phải tính toán lo lắng gì. Mấy tổng thống Mỹ, nhậm chức chỉ vài năm là tóc bạc trắng, già hẳn đi. Giàu sang, quyền quý có sung sướng về mặt tiền bạc, chi tiêu nhưng cũng có nhiều nỗi lo toan và những cái khổ mà chỉ người “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Rất nhiều người biết khổ mà cứ tự nguyện lao vào. Số ít hơn, có nghị lực thoát được những sân si của cuộc sống nhưng phải vào chùa. Những người sống giữa đời thật mà tu hạnh mới thật sự đáng nể. Nhu cầu của con người là vô tận. Chẳng biết bao nhiêu là đủ. Đang đủ, thấy có người hơn mình là thiếu, muốn có thêm. Tiền chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh – mục tiêu cuối cùng. Tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng hạnh phúc thì chưa chắc. Trong các doanh nghiệp, tăng lương không bao giờ đủ nếu thiếu cốt lõi giá trị và mục đích. Đó là hiệu quả của công việc, là được thừa nhận, những yếu tố cấu thành sự đam mê. Trong cuộc sống cũng vậy.
Nhìn lại xứ mình
Với tôi thì Việt Nam là xứ sở hạnh phúc, không phải vì sự xếp hạng của mấy tổ chức quốc tế mà nhiều cư dân mạng mỉa mai. Đơn giản vì tôi là người Việt. Tiếng Anh có câu “No place like home” (không đâu bằng nhà mình). Từ quê lên tỉnh học, phải xa nhà. Vào đại học, phải xa quê. Đi nước ngoài học, đi du lịch nhiều nước, ở những khách sạn cao cấp, càng nghiệm ra sự chí lý. Đi đâu cũng nhớ quê, cũng thèm về nhà mình. Quen hơi, quen chốn nên ngủ ngon và thoải mái hơn. Đến mấy xứ giàu có, cũng ham và mơ ước “Bao giờ quê mình bằng xứ họ?”. Đi chơi thì thích thật nhưng cho ở luôn thì chịu.
Cuộc sống phải có đủ cảm xúc mới thú vị. Cái gì thái quá cũng khổ. Thái cực nào cũng chán. Chẳng có xứ sở nào là thiên đường. Gia đình nào cũng có những mâu thuẫn nhất định. Quốc gia nào cũng có vấn nạn riêng. Vấn đề là cách phòng ngừa và giải quyết, nhanh hay chậm.
Cứ hỏi những người đang ca tụng Bhutan có muốn qua bên đó ở luôn không. Tôi đoan chắc trăm người như một trả lời là không. Không ít người từ chối xuất cảnh đi Mỹ và châu Âu vì không thể bỏ xứ, dù ở lại vất vả trăm bề. Brunei phúc lợi xã hội như thiên đường còn giải trí như trong tu viện. Du khách thấy khổ nhưng dân Brunei tự hào và hạnh phúc.
Thói thường, ít ai bằng lòng với hiện tại nên cứ mãi ước mơ và khát vọng. Nhờ vậy cuộc sống mới phát triển. Tâm lý vọng ngoại cũng phổ biến kiểu “văn mình, vợ người” hoặc “đứng núi này trông núi nọ”. Việc gì cũng có hai mặt.
Những người từng trải qua chiến tranh cho rằng cuộc sống bây giờ so với ngày xưa một trời một vực, rất hạnh phúc dù có những chuyện chưa như ý. Lớp trẻ thì khác. Họ nhìn thế giới, so sánh với Việt Nam và đòi hỏi nhiều thứ. Cái hay của đất nước thì thấy bình thường còn chuyện dở thì có vẻ trầm trọng. Tôi chưa thấy nước nào mà Wi-Fi phổ cập và miễn phí nhiều như Việt Nam. Từ xe nước mía, chị bán xôi đến từng nhà dân ở vùng quê. Cuba miễn phí dịch vụ y tế nhưng Internet mỗi giờ hơn 1 đô la Mỹ. Không nước nào mà bia, rượu, thuốc lá rẻ và dễ mua như Việt Nam. Thuốc lá có hại, còn bia rượu là chất kích thích tiêu hóa, một loại đồ uống chức năng. Còn lạm dụng để say mèm và làm bậy là chuyện khác. Việt Nam có nhiều cảnh đẹp làm mê mẩn du khách. Hệ thống hang động ở Quảng Bình tráng lệ hơn cả thiên đường.
Chẳng nước nào mà giá vé xe đò liên tỉnh có dịch vụ “door to door” rẻ như Việt Nam. Tôi từ Phan thiết vào Sài Gòn, chỉ cần nhắc điện thoại là xe ôm, xe trung chuyển đến nhà đón ra bến. Xe ghế ngồi hay giường nằm đều thoải mái và có Wi-Fi miễn phí. Từ bến, có xe chở về nhà hoặc khách sạn, dù đêm hôm khuya khoắt. Khách miền Tây về Sài Gòn sáng sớm để khám bệnh còn được hãng xe tổ chức đón bằng xe ưu tiên, chạy thẳng vào các bệnh viện để lấy số.
Thủ đô Thimphu của Bhutan không có đèn tín hiệu giao thông, được xem là chuyện lạ. Đà Lạt có dân số gần gấp ba lần Thimphu, cũng không có đèn giao thông, lại là chuyện thường. Bhutan được khen vì yên bình, thiên nhiên gần gũi và sống chậm. Mỗi năm vương quốc này chỉ cho phép 6.000 du khách nhập cảnh. Việt Nam từng có nhiều điểm đến không kém cạnh nhưng dần bị mai một vì phát triển tự phát, bị bê tông hóa. Tôi vừa vào một bản vùng biên giới Việt - Trung ở Lai Châu mà ngỡ ngàng vì cảnh quan thiên nhiên lẫn sự chất phác, hiền hòa, hiếu khách và lịch sự của dân bản. Quá say mê nhưng không dám viết bài giới thiệu, sợ dân phượt đổ xô đến sẽ làm tổn thương những giá trị vốn có, mất hết vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và mê hoặc.
“Không ai chọn cửa để sinh ra” như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần nói; cũng không thể chọn quốc tịch mà đầu thai. Với tôi, Việt Nam là xứ sở hạnh phúc nhất, dù còn lắm chuyện nhiễu nhương tiêu cực. Đó là đất nước mà cha mẹ và tổ tiên tôi đã sống hết mình và chết thanh thản. Tôi sinh ra trên mảnh đất chữ S gian nan, nên cũng sẽ sống và chết vì mảnh đất này như cha mẹ, tổ tiên của mình. Với tôi, hạnh phúc nhất là được làm bất cứ việc gì có ích cho người khác, cho cộng đồng, cho đất nước quê hương của mình.