Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Xuất khẩu dừa kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc

(SGTT) - Xuất khẩu dừa của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm 2024. Cùng với đó, việc Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch mặt hàng dừa từ Việt Nam kỳ vọng mở ra cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng này.

Theo thống kê từ Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt 920,4 triệu đô la Mỹ, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, mặt hàng dừa được xem là một trong những sản phẩm có sự tăng trưởng đáng chú ý.

Chia sẻ với Kinh tế Sài Gòn Online, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Dừa Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm được làm từ dừa trong 9 tháng đầu năm nay tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện loại quả này đang xuất khẩu sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... là những thị trường chủ đạo.

Mỹ cũng là thị trường trọng điểm của Vina T&T với tỷ trọng doanh thu hơn 70%. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho biết trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu  khoảng 30-40 container sang thị trường Mỹ, tương đương 600.000 - 800.000 trái dừa tươi được tiêu thụ.

Bên cạnh Mỹ, các quốc gia khác như Anh, Úc, và Canada cũng là thị trường ưa chuộng dừa tươi của doanh nghiệp này. Theo đó, chủ doanh nghiệp cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng dừa tươi của Vina T&T tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Tùng cho biết thêm, lợi thế của dừa tươi Việt Nam khi xuất khẩu là khả năng bảo quản lâu hơn so với nhiều loại nông sản khác khoảng 3-6 tháng đã giúp giá thành sản phẩm luôn trong mức ổn định. Cụ thể, dừa kim cương dao động từ 10-12 đô la Mỹ/thùng (9 trái), còn các loại dừa khác có mức giá từ 9-15 đô  la Mỹ/thùng.

Ngoài xuất khẩu dừa tươi, các sản phẩm được chế biến sâu từ dừa cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Theo thống kê từ Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới, kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 95% mục tiêu đề ra. Công ty tập trung vào các sản phẩm chế biến từ dừa có giá trị gia tăng cao như dầu dừa tinh khiết, nước cốt dừa, và nước dừa, với mức doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đại diện doanh nghiệp cho biết tại một số quốc gia như là Mỹ và Canada, người tiêu dùng rất ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ, tốt cho sức khỏe. Các sản phẩm từ dừa như nước cốt dừa, sữa dừa và dầu dừa, được xem là nguồn dinh dưỡng tự nhiên và phù hợp cho lối sống lành mạnh, do đó, các sản phẩm được tiêu thụ khá tốt tại các thị trường này.

Đáng chú ý, tháng 8 vừa qua, Việt Nam vừa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch trái dừa tươi sang Trung Quốc, kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nhờ thị trường tỉ dân này.

Ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết trong tháng 9-2024, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ dẫn đoàn hơn 10 doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự nhiều hội chợ trái cây, hội chợ thực phẩm tại Trung Quốc. 

Sản phẩm dừa tươi khi xuất khẩu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, với việc ký kết Nghị định thư cho phép trái dừa xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi năm nay sẽ đạt khoảng 250 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, để dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp phải tuân thủ quy  định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm, không bị nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. 

Thái Bảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối