Trung Chánh
Dù một số đối tác nhập khẩu gạo đã quay lại, nhưng theo dự báo của các nhà chuyên môn tình hình xuất khẩu mặt hàng này sẽ còn rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Cạnh tranh với Thái, “tắc” đường sang Trung Quốc
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy trong năm tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,4 triệu tấn với trị giá đạt 1,05 tỉ đô la Mỹ, giảm 11,4% về lượng và 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo dự báo của một số nhà chuyên môn, xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan và việc bán tiểu ngạch sang Trung Quốc bị tắc. “Xuất khẩu gạo trong nước, tôi tin chắc sẽ còn đầy những khó khăn thời gian tới”, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường lúa gạo của Việt Nam nhận định như vậy với Sài Gòn Tiếp Thị.
Lý giải cho nhận định trên, theo ông Bích, điểm quan trọng hiện nay là Thái Lan đang tồn kho với khối lượng rất lớn, lên đến 11 triệu tấn và chất lượng gạo của họ đang trong tình trạng xấu, nên nước này muốn bán ra càng nhanh càng tốt và gần đây có thông tin cho rằng Thái Lan chuẩn bị xả kho với khối lượng đến 2 triệu tấn, đó là một áp lực rất lớn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo ông Bích, ngay cả phiên thầu cung cấp 250.000 tấn gạo (loại 25% tấm) cho Philippines dự kiến được mở vào hôm nay, Việt Nam muốn giành được cũng là cả một bài toán khó.
Có cùng quan điểm này, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho rằng hai năm nay Thái Lan đã xâm nhập mạnh hơn trong việc bán gạo vào thị trường Philippines, chứ không còn cảnh Việt Nam “một mình, một chợ” như trước. Như cuối năm ngoái, Philippines chào mua 500.000 tấn thì Thái Lan trúng thầu đến 300.000 tấn, còn Việt Nam chỉ 200.000 tấn. Trong năm nay, khả năng Việt Nam chỉ trúng thầu khoảng một nửa trong số 250.000 tấn nói trên.
Ngoài yếu tố cạnh tranh với Thái Lan, ông Tuấn của Thịnh Phát cho rằng từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc theo kiểu “lúc đóng, lúc mở” vì Trung Quốc muốn nhập khẩu chính ngạch để thu thuế. Điều này đã khiến xuất khẩu gạo Việt Nam giảm đáng kể. “Bốn tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc lần lượt giảm 28,11% về khối lượng và 31,06% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái”, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Còn đối với thị trường châu Phi, theo ông Tuấn, cũng sẽ gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan. “Mặc dù hiện nay, giá chào bán của Việt Nam có rẻ hơn so với Ấn Độ và Pakistan, nhưng do giá cước vận chuyển cao hơn 20 đô la Mỹ/tấn nên coi như bằng nhau”, ông Tuấn cho biết.
Tiêu thụ sẽ khó hơn
Số liệu thống kê của Cục trồng trọt, cho thấy tính đến cuối tháng 5-2015, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ mới thu hoạch được khoảng 100.000/1,2 triệu ha lúa hè thu đã xuống giống (dự kiến vụ hè thu 2015 sẽ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha – PV), nghĩa là diện tích lúa cần thu hoạch thời gian tới còn rất lớn. Trong khi đó, xuất khẩu gạo được dự báo gặp khó khăn, cho nên tình hình tiêu thụ lúa gạo nội địa thời gian tới cũng sẽ ảm đạm hơn.
Theo bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp Yến Ngọc (TPHCM), tình hình xuất khẩu nếu không có hợp đồng mới, giá lúa gạo sẽ còn rớt mạnh, tiêu thụ chậm hơn vì chất lượng gạo của vụ hè thu rất kém (gạo bị bạc bụng).
Trên thực tế, theo bà Yến, hiện dù chỉ mới là đầu vụ thu hoạch lúa hè thu, nhưng giá đã rớt xuống chỉ còn trên dưới 4.200 đồng/kg đối với lúa IR 50404 tươi và trên dưới 6.200 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của giống IR 50404.
Còn ông Nguyễn Văn Cường, một nông dân sản xuất lúa ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết so với vụ đông xuân vừa qua, hiện giá lúa vụ này đã giảm khoảng 200-250 đồng/kg, tương đương khoảng 4.000-5.000 đồng/giạ (20 kg), tuy giá giảm, nhưng việc tiêu thụ cũng hết sức khó khăn.