Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Xuất khẩu lao động sẽ ngày càng tăng

Thùy Dung

Trong nhiều năm qua, số lao động ra nước ngoài làm việc, nhất là tại Nhật Bản liên tục tăng cao và tới nay đã đạt hơn 105.000 lao động, đạt 110% so với kế hoạch của năm 2013. Theo các chuyên gia trong ngành, Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường hút lao động Việt Nam trong năm nay.

Tăng trưởng kỷ lục

Việt Nam bắt đầu hợp tác thực hiện chương trình đưa tu nghiệp sinh Việt Nam sang tu nghiệp tại Nhật Bản từ năm 1992. Tình hình hợp tác đó tới nay luôn tốt đẹp và phát triển bền vững với số lượng tu nghiệp sinh tăng hàng năm. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, số lượng tu nghiệp sinh sang Nhật Bản tăng rất nhanh.

Các học viên theo học khóa tiếng Nhật để sang Nhật làm điều dưỡng viên trong năm tới. Ảnh: Hồng Kiều
Các học viên theo học khóa tiếng Nhật để sang Nhật làm điều dưỡng viên trong năm tới. Ảnh: Hồng Kiều

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, điều này một phần là do tình hình chính trị căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong thời gian qua đã làm giảm nhu cầu tiếp nhận tu nghiệp sinh Trung Quốc của các nghiệp đoàn Nhật Bản. Trong khi đó, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động ngày càng tốt đẹp. Ngoài ra, các nghiệp đoàn Nhật Bản cũng đánh giá cao lao động Việt Nam ở những đức tính cần cù, ham học hỏi và tiếp thu nhanh nên nhu cầu tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam tăng cao.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lao động sang Nhật Bản liên tục tăng qua các năm, nếu như năm 2005 có khoảng hơn 4.200 người thì năm 2013 đã là 9.600 người, tăng gấp đôi trong vòng tám năm. Nhưng chỉ trong năm 2014, con số này đã đạt 19.766 người, tăng hơn 100% so với năm 2013.

Theo ông Quỳnh, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất của thị trường Nhật Bản đối với lao động Việt Nam là thực tập sinh kỹ năng vừa học vừa làm trong thời gian tối đa là ba năm. Trước đây, thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may. Tuy nhiên, trong khoảng ba năm gần đây, Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, trong đó nhu cầu với các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm tăng mạnh.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020, trong năm năm từ năm 2015 đến năm 2020 Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây. Do đó, trong thời gian tới, các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của thị trường Nhật Bản dự kiến là xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm.

Ngoài thực tập sinh, Nhật Bản còn có nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ cao như kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý.

Củng cố thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới

Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (Vamas), trong năm 2015 tình hình kinh tế có dấu hiệu ấm lên nên nhu cầu tuyển dụng lao động của các thị trường cũng tăng cao, đặc biệt là năm thị trường truyền thống gồm Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Arabia Saudi. Chính vì vậy, Vamas dự kiến sẽ đưa khoảng 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2015.

Trong đó, Đài Loan vẫn là thị trường trọng điểm từ trước đến nay và luôn chiếm hơn 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, theo ông Quỳnh, tình hình cung ứng lao động của các nước khác đang diễn biến có lợi cho Việt Nam khi số lượng lao động Thái Lan đi làm việc tại Đài Loan tiếp tục xu hướng giảm. Bên cạnh đó, lao động Indonesia chủ yếu sang làm việc trong ngành dịch vụ xã hội (chăm sóc người bệnh tại gia đình); Philippines trong nhiều năm nay cơ bản không đẩy mạnh việc đưa lao động sang Đài Loan.

Năm nay, theo một chuyên gia trong ngành (đề nghị giấu tên), thị trường Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều khó khăn để khơi thông do chúng ta vẫn chưa giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn. Tuy nhiên, vẫn còn một hướng khác, tức ngoài đưa lao động theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), Việt Nam vẫn có thể đưa lao động sang Hàn Quốc làm thuyền viên.

Bên cạnh những thị trường truyền thống, tới đây tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận với Angola và Arabia Saudi trong một số lĩnh vực để tạo điều kiện phát triển việc làm cho lao động Việt Nam.

Ở thị trường khó tính như châu Âu, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, cơ quan chuyên môn đã kết thúc việc tuyển chọn ứng viên cho khóa 2 của chương trình thí điểm “Đào tạo điều dưỡng viên đến từ Việt Nam” cho CHLB Đức trong năm 2015. Hiện tại, có 125 ứng viên phù hợp đã được tuyển chọn để đưa sang Đức đào tạo. Bên cạnh đó, Đức còn tiếp nhận lao động làm thời vụ, dưới một năm nhưng nhu cầu tuyển dụng là rất lớn nếu làm tốt khâu tuyển chọn và tránh tình trạng bỏ trốn.

Theo Vamas, thời gian tới xu hướng đưa lao động không có kỹ năng đi làm việc ở nước ngoài sẽ giảm xuống; vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ phải tiến tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc kiện toàn cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên phải chuyên nghiệp hơn, kể cả phương pháp huấn luyện và tiếp cận thực tiễn; thay đổi phương pháp đào tạo tiếng; đào tạo thêm về phong tục tập quán để người lao động tự tin và hòa nhập nhanh hơn với nơi làm việc.

Dự báo của Vamas cho thấy, năm 2015, con số lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 100.000 người, vượt so với mục tiêu năm 2014 là 90.000 người và ngang với con số thực hiện của năm 2014.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối