Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Xuất khẩu “mất mùa”, giá cả lình xình

NGUYỄN QUANG BÌNH - 

Dù chưa hết năm nhưng tình hình xuất khẩu cà phê được dự báo không mấy lạc quan. Trung tâm Tin học và Thống kê thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính trong mười tháng đầu năm 2015, Việt Nam chỉ xuất khẩu đạt 1,05 tấn cà phê với tổng giá trị 2,13 tỉ đô la Mỹ, giảm 29,6% về khối lượng và giảm 31,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

8

Tuy đã vào niên vụ mới, một số nơi đã thu bói, dự kiến chính vụ sẽ bắt đầu từ cuối tháng 11 tới, tức chỉ còn hơn nửa tháng. Nhưng giá cà phê trên thị trường vẫn lình xình ở mức thấp. Tại thời điểm giữa tuần này, giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi trên Tây Nguyên chỉ còn 34 triệu đồng/tấn, là một trong những mức thấp nhất của tháng đầu niên vụ 2015-2016.

Giá trên sàn kỳ hạn robusta tại London mấy ngày này đang xoay quanh mức thấp nhất. Giá đóng cửa ngày thứ Ba 27-10 chốt mức 1.559 đô la/tấn, tăng 6 đô la/tấn so với mức đáy của niên vụ này lập trước đó một ngày, nhưng thấp hơn cả giá đóng cửa ngày đầu niên vụ 1-10-2015 (1.565 đô la Mỹ/tấn).

“Nếu như thị trường cứ thấp như thế này, không ai muốn bán mà cũng chẳng mấy ai mua được”, ông Hiền, một nông dân có nhiều kinh nghiệm thị trường tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nhận định. “Năm nay, giá bắt đầu phải ở mức 37 triệu đồng/tấn mới có thể kích hàng ra được, nhưng chắc chắn lượng bán ra thị trường cũng không nhiều, vì như so với niên vụ trước, có lúc giá 38-40 triệu đồng/tấn, thị trường không có một hột”, ông nói tiếp.

Đối với nông dân, giá 37 triệu đồng/tấn là thấp khi so với giá đầu năm ngoái, bấy giờ 41 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đến nay họ đang cố chấp nhận vì giá niêm yết trên sàn kỳ hạn đang xuống quá thấp, hiện là 1.555 đô la/tấn so với năm ngoái lên đến 2.200 đô la/tấn.

Một số nhà nhập khẩu cho biết kể từ đầu vụ mới, họ đã mua và nhận một số lô hàng. Tuy nhiên, chất lượng cà phê trong nhiều lô hàng không đều, chủ yếu cà phê của vụ cũ và vụ mới trộn lẫn, kích cỡ hạt không đều. Giám đốc một công ty xuất khẩu thuộc tỉnh Đắk Lắk cho biết thường ở giai đoạn giáp hạt, hàng vụ cũ được trả mức cao hơn vài ba chục đô la/tấn so với cà phê vụ mới. Tuy nhiên, để được giá cao như vậy, nhà xuất khẩu không được trộn lẫn cũ mới với nhau.

“Các hãng rang xay thường thích chất lượng đồng đều, cà phê vụ cũ thường khô hơn. Nếu trộn cà phê vụ mới, độ ẩm cao hơn, sẽ làm hư và giảm chất lượng hàng vụ cũ. Cũng vậy, kích cỡ hạt của cà phê đầu vụ mới thường nhỏ hơn nhiều so với cà phê vụ cũ do được tuyển chọn giữ lại đến cuối mùa, hạt lớn. Trộn lẫn hai kích cỡ quá to với quá nhỏ, khi vào lò rang, hạt nhỏ sẽ cháy gây ảnh hưởng xấu cho cả mẻ rang”, vị giám đốc cho biết.

Hiện tượng trộn lẫn cà phê cũ và mới cũng có thể do một lượng hàng lớn còn trữ lại chờ giá, nhưng nay giá không tăng mà đã qua vụ mới, nên lượng hàng này phải được đem ra trộn vào hàng mới với mục đích đảo chân hàng.

“Cà phê Việt Nam vẫn được yêu chuộng. Tuy nhiên, trộn hạt cà phê giữa quá khô với quá ướt, làm hư thối nhanh cà phê cũ, trộn hạt nhỏ với hạt quá lớn, sẽ tốn công và tốn phí rất lớn của chúng tôi tại nước nhập khẩu vì phải sàng chọn lại cho đều kích cỡ mới đưa vào lò rang”, một nhà rang xay giải thích.

Có lẽ vì vậy mà không mấy ai dám ký hợp đồng mua hàng cà phê thời điểm đầu vụ này chăng?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối