Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh

Ngọc Hùng-

Giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay đã vượt con số 2 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái và trở thành một trong những mặt hàng có giá trị tăng tưởng nhất trong khối ngành hàng nông sản. Một số doanh nghiệp trong ngành nhận định, dư địa xuất khẩu rau quả vẫn còn nhiều nếu có chiến lược tiếp thị tốt hơn.

Một trong những tin vui của nhiều người trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua là New Zealand sẽ mở cửa nhập chôm chôm của Việt Nam trong năm nay. Như vậy, kể từ khi trái chôm chôm được xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2011 đến nay, trái cây này đang dần được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhìn tổng thể, hai năm qua, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả có sự tăng trưởng mạnh, bằng chứng là con số 2 tỉ đô la Mỹ đã nêu ở trên. Khách quan mà nói, một trong những đóng góp cho sự tăng trưởng ấy là nhờ những chương trình tiếp thị, giới thiệu các loại trái cây của những người trong ngành nông nghiệp, của các đại sứ cũng như những người đứng đầu chính phủ.

Vì thế, nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, các quốc gia ở Đông phi rồi đến các nước như Úc, New Zealand cũng lần lượt tuyên bố sẽ mở cửa cho trái cây của Việt Nam. Nếu như cách đây vài năm chỉ có trái thanh long thì nay vải thiều, dừa, chôm chôm, bưởi, sầu riêng đã vào danh sách những mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất khẩu Vina T&T, một trong những công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng rau quả, cho rằng một trong những tác nhân làm cho giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong hai năm qua là khâu bảo quản. “Do công nghệ bảo quản sau thu hoạch đã cải thiện đáng kể, thời gian lưu giữ dài hơn nên số lượng rau quả xuất khẩu của doanh nghiệp cũng tăng thêm”, ông Tùng cho biết.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cho rằng, không thể phủ nhận những chuyến đi tiếp thị nông sản của những người đứng đầu các cơ quan ban ngành trong thời gian qua. Nhưng theo ông, công tác tiếp thị sẽ tiến triển tốt hơn, có hiệu quả hơn nếu trước mỗi chuyến đi cơ quan chức năng có sự tham khảo ý kiến của doanh nghiệp - những đơn vị trực tiếp xuất khẩu, tìm kiếm bạn hàng và thấu hiểu những ưu và khuyết điểm của các loại rau quả của Việt Nam.

Ông Tùng của Công ty Vina T&T dẫn chứng trái vải thiều. Mặc dù, thời gian qua, quan chức ngành nông nghiệp cố gắng tìm mọi cách để tiếp thị cho mặt hàng này, và thành quả của những nỗ lực ấy là một số thị trường mở cửa nhập khẩu, nhưng hiện nay trái vải thiều vẫn chưa vào được thị trường Mỹ và đang chật vật tiếp cận khách hàng Úc.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, giám đốc một doanh nghiệp đang xuất khẩu vải thiều sang Úc, cho biết hiện nay, mặc dù Úc đã mở cửa cho trái vải thiều nhưng việc xuất trái cây này sang quốc gia này chỉ mới dừng lại ở khâu thăm dò thị trường, chưa thể nói được điều gì đối với triển vọng xuất khẩu vải thiều sang đây. Tháng trước, Việt Nam đã xuất khoảng 8 tấn vải thiều sang thị trường này.

Theo ông Tùng, để “vận động hành lang” cho một mặt hàng trái cây, ngành nông nghiệp Việt Nam tốn nhiều công sức và tiền bạc, nhưng cái chính là phải làm sao để sau đó doanh nghiệp có thể xuất khẩu được.

“Theo tôi, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nếu cơ quan chức năng biết chọn những mặt hàng phù hợp để tiếp thị cho từng thị trường”, ông Tùng nêu ý kiến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối