Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Xuất khẩu thủy sản sang EU: tôm tăng mạnh, cá chật vật

Trung Chánh-

Thực tế cho thấy, tình hình xuất khẩu thủy sản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) không dễ dàng cho mọi sản phẩm. Trong lúc mặt hàng tôm đang ngày càng khẳng định vị trí của mình ở thị trường này thì cá tra lại ngược lại, nếu không muốn nói là ngày càng khó khăn hơn.

Cá xuống, tôm lên

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội cá tra Việt Nam (Vinapa) cho biết, tính đến giữa tháng 8-2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt trên 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt trên 128 triệu đô la Mỹ, giảm đến 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Vinapa, cho biết thị trường xuất khẩu cá tra trong những tháng đầu năm 2017 đã có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng của các thị trường theo hướng giảm ở EU, Mỹ và tăng ở thị trường Trung Quốc - Hồng Kông.

Cụ thể, với thị trường EU, nếu kim ngạch xuất khẩu vào đây trong năm 2016 chiếm 18,22% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thì lũy kế đến từ đầu năm đến giữa tháng 8-2017 chỉ còn chiếm 12%. Mỹ từ mức chiếm 22,6% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong năm 2016 cũng giảm xuống còn 21,5%. Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, nếu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào đây trong năm ngoái là 17,8% thì đến giữa tháng 8-2017 chiếm đến 20,8%.

Lý giải của Vinapa về việc xuất khẩu cá tra vào EU sụt giảm mạnh là do mặt hàng này của Việt Nam bị canh tranh gay gắt với các loại cá thịt trắng bản địa như cá tuyết, cá Alaska Pollock. Đặc biệt là bị truyền thông một số nước EU thông tin gây bất lợi, khiến doanh số tiêu thụ cá tra ở EU giảm.

Vinapa cho biết, mới đây một chương trình xúc tiến, quảng bá ngành thủy sản Việt Nam được Bộ ngoại giao phối hợp Tổng cục thủy sản xây dựng và trình lãnh đạo bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý. “Mục đích của chương trình là gửi tới người tiêu dùng các nước EU hình ảnh về sản phẩm thủy sản Việt Nam đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường, từ ao nuôi đến bàn ăn”, Vinapa cho biết.

Trong khi mặt hàng cá tra sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU đang ngày một tăng trưởng khả quan hơn.

Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nếu như lũy kế 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU đạt 380,6 triệu đô la Mỹ, xếp thứ hai sau thị trường Nhật Bản, thì lũy kế đến 8 tháng đầu năm 2017, EU đã vượt lên trở thành thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 483,6 triệu đô la Mỹ, tăng đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng mạnh, theo VASEP, do người tiêu dùng ở thị trường này ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng và nhu cầu tăng mua để phục vụ tiêu thụ dịp cuối năm. “Đây là tín hiệu tốt, tạo đà tăng trưởng mạnh hơn cho xuất khẩu tôm sang thị trường này những tháng cuối năm trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chuẩn bị có hiệu lực”, VASEP cho biết.

Một lý do khác khiến kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng mạnh được VASEP lý giải, đó là do thị trường này đang tăng cường thanh tra các lô tôm từ Ấn Độ và có xu hướng giảm nhập khẩu tôm từ nguồn cung này. Trong khi đó, Ấn Độ lại là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam, nên EU mua nhiều hơn từ Việt Nam để bù đắp khối lượng nhập khẩu giảm từ thị trường này.

 thuysanCông nhân chế biến cá tra xuất khẩu tại một nhà máy ở ĐBSCL.  Ảnh: Trung Chánh

Người nuôi có lãi

Tình hình xuất khẩu tôm thuận lợi đã giúp giá bán nguyên liệu thị trường nội địa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục được duy trì ở mức khá cao.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Văn Hậu ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg hiện có giá 105.000-107.000 đồng/kg, loại 50 con/kg có giá 135.000-137.000 đồng/kg, loại 40 con có giá 150.000-155.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 168.000-170.000 đồng/kg, tăng 3.000-5.000 đồng/kg so với mức giá cách nay nửa tháng.

Đối với tôm sú, loại 100 con/kg có giá 110.000-112.000 đồng/kg, loại 80 con/kg có giá 130.000-135.000 đồng/kg, loại 50 con/kg có giá 170.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 200.000-205.000 đồng/kg, loại 30 con/kg là 270.000 đồng/kg và 20 con/kg có giá lên đến 320.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với mức giá cách nay nửa tháng.

Ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là “vua” nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết, với giá như hiện nay, nông dân nuôi tôm sú, sau 5-6 tháng nuôi, có thể đạt mức lợi nhuận từ 100-150%, tức nông dân bỏ ra 1.000 đồng tiền vốn đầu tư, thì lợi nhuận có thể đạt 1.000-1.500 đồng. Còn với tôm thẻ chân trắng, sau 3-4 tháng nuôi có thể đạt lợi nhuận 100% nếu nuôi được loại lớn (30 con/kg) và đạt mức lợi nhuận khoảng 30.000-40.000 đồng/kg đối với nuôi loại nhỏ (90-100 con/kg).

Trong khi đó, với sản phẩm cá tra, dù xuất khẩu sang thị trường EU sụt giảm mạnh, nhưng với sự tăng trưởng ở một số thị trường khác cũng giúp đưa kim ngạch xuất khẩu chung toàn ngành tính đến giữa tháng 8-2017 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm hợp tác xã thủy sản huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, với giá cá tra nguyên liệu dao động trong khoảng 25.000-26.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư nông dân có lãi 3.000-4.000 đồng/kg.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối