Chủ Nhật, Tháng Một 5, 2025

Xuất khẩu lao động sang Malaysia vẫn bình thường

THÙY DUNG -

Thông tin Chính phủ Malaysia sẽ không tiếp nhận lao động nước ngoài làm việc tại nước này cho tới khi nhu cầu của các ngành nghề trong nước tăng lên khiến một số đơn vị xuất khẩu lao động ở Việt Nam lo ngại. Tuy nhiên, một số người cho rằng quyết định đó của Malaysia chỉ là tạm thời và không ảnh hưởng tới việc đưa lao động sang đây làm việc trong dài hạn.

Đóng cửa tạm thời

laodongTheo dự báo, các thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhiều người lao động Việt Nam trong năm 2016. Trong ảnh, lao động đang tập trung tại sân bay để chuẩn bị làm thủ tục ra nước ngoài làm việc. Ảnh: Trúc Diễm

Sáng ngày 19-2, Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Hamidi thông báo Chính phủ nước này quyết định ngưng tuyển dụng lao động nước ngoài. Báo The Star dẫn lời ông Ahmad Hamidi cho biết Malaysia quyết định ngưng tuyển dụng tất cả lao động nước ngoài, kể cả lao động người Bangladesh. Sau thông báo này, các chủ lao động tại Malaysia phải tuyển dụng lao động địa phương.

Ông Ahmad Hamidi cũng nói rằng tất cả lao động bất hợp pháp tại Malaysia sẽ bị bắt giữ và trục xuất. Ông cho biết quyết định ngưng tuyển lao động nước ngoài sẽ được duy trì cho đến khi Chính phủ Malaysia thấy cần tuyển dụng lại hoặc khi nhu cầu lao động của các ngành nghề tăng lên.

Đánh giá về thông tin trên, ông Lê Tuấn Hùng, phụ trách thị trường Malaysia của Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic), đơn vị đưa khoảng 500 lao động sang thị trường này trong năm 2015, cho biết Malaysia đang có biên bản với Bangladesh để đưa 1,5 triệu lao động Bangladesh vào làm việc trong ba năm tới. Ngay lập tức, các nghiệp đoàn lao động và tổ chức dân sự ở Malaysia lên tiếng phản đối kế hoạch này.

Theo Hanic, tạm thời lao động Việt Nam vẫn vào Malaysia làm việc bình thường vì việc dừng tiếp nhận lao động nước ngoài chỉ áp dụng với chủ sử dụng lao động xin giấy phép mới. Còn những chủ sử dụng lao động đã có kế hoạch và xin được giấy phép tiếp nhận lao động nước ngoài rồi thì họ vẫn đưa công nhân nước ngoài vào bình thường.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cho rằng kể từ khi Việt Nam đưa lao động sang Malaysia làm việc thì từng ấy năm phía Malaysia luôn đưa ra những quyết định như trên. Theo vị chuyên gia này, thực tế người dân Malaysia không chịu làm những công việc mà lao động nước ngoài đang làm nên cách gì rồi Chính phủ nước này cũng sẽ phải tiếp nhận lại lao động nước ngoài.

Trước đó, Chính phủ Malaysia cũng ra quyết định áp thuế cao đối với người lao động nước ngoài làm việc tại nước này và áp dụng vào đầu tháng 2-2016, nhưng tới nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào để thực hiện quyết định trên cả.

Dự báo nhu cầu vẫn tăng

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2015 đã có 115.980 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 8,55% so với năm 2014 và vượt 28,86% so với kế hoạch năm đặt ra.

Tính riêng thị trường Đông Nam Á có 7.389 lao động Việt Nam đi làm việc, chiếm 6,37% tổng số lao động làm việc ở nước ngoài, tăng 34,81% so với số lao động được đưa đi trong năm 2014. Trong khu vực này, chỉ có hai thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đó là Malaysia và Singapore. Trong đó Malaysia có quy mô tiếp nhận lớn nhất là 7.354 người, chiếm 99,52% số lao động được đưa đi trong khu vực này.

Bình quân mỗi tháng thị trường này tiếp nhận 612 lao động. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc khoảng từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, trong năm 2015, các thị trường tiếp nhận lớn lao động Việt Nam vẫn tập trung vào các nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Bắc Á, chiếm khoảng 87% tổng số lao động làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có sự gia tăng lớn hơn cả là hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản.

Theo dự báo, các thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhiều người lao động Việt Nam trong năm 2016. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực, điều quan trọng để giữ được những thị trường có điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định cho người lao động thì không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng của lao động Việt Nam cũng cần phải được khẳng định.

[box type="download"] Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu trong năm 2016 sẽ đưa hơn 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.[/box]

Một số người cho rằng nếu chất lượng lao động không tốt thì việc đưa càng nhiều lao động ra nước ngoài làm việc nhưng tỷ lệ lao động bỏ trốn, hủy hợp đồng gia tăng sẽ khiến Việt Nam càng dễ mất các thị trường tốt cho lao động Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối