Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Xưởng bếp lò đất ở TPHCM ảm đạm trước ngày ông Công ông Táo

(SGTT) - Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, nhiều gia đình sẽ sắm bếp lò mới để trang hoàng nhà cửa, hy vọng năm mới thêm sung túc. Tuy nhiên, khác với không khí nhộn nhịp những năm trước, năm nay, xưởng sản xuất bếp lò đất của ông Trần Văn Tiếp (quận 8, TPHCM) lại ảm đạm, lượng đơn đặt hàng giảm mạnh, nhân công làm lò cũng thưa vắng.
Cô Nguyễn Ngọc Văn, có hơn 10 năm làm tại cơ sở bếp lò của ông Năm Tiếp, đang thực hiện công đoạn trét đất vào lò. Ảnh: Cẩm Quyên

Bếp lò “ông Táo” của ông Trần Văn Tiếp (Năm Tiếp) nằm dưới chân cầu Rạch Cây, quận 8, TPHCM là cơ sở sản xuất và buôn bán, phân phối bếp lò tại TPHCM và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Khác với những năm trước, năm nay, xưởng ông Năm Tiếp chỉ còn từ 7 đến 10 người thợ làm bếp, giảm đi một nửa so với mọi năm do không có đơn đặt hàng.

Ông Trần Văn Tiếp đang vá lò đất để sản phẩm được mịn và chỉn chu khi đến tay khách hàng. Ảnh: Cẩm Quyên

Những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các thợ tại lò của ông Năm Tiếp đang khẩn trương hoàn thành các công đoạn tạo ra bếp lò để phục vụ thị trường trong ngày Tết ông Táo.

Để có thành phẩm bếp lò “ông Táo”, người thợ phải thay phiên nhau làm các công đoạn như trộn đất, xây lò, gắn đầu lò, nặn tạo hình, cắt gọt.  Bếp sau khi được cắt gọt sẽ được đem đi phơi khô, đưa vào lò nung với thời gian gần 36 tiếng sẽ cho ra thành phẩm.

Bếp ông Táo sau khi được cắt gọt sẽ được đem đi phơi khô, cho vào lò nung với thời gian gần 36 tiếng sẽ cho ra thành phẩm. Ảnh: Cẩm Quyên

Ông Trần Văn Tiếp, chủ cơ sở sản xuất bếp lò, có hơn 45 năm làm nghề, chia sẻ "Năm nay thực sự khác hẳn mọi năm. Nếu như những năm trước, lượng đặt hàng luôn cao hơn khả năng đáp ứng, thì năm nay chỉ có vài đơn nên rất khó khăn".

Cũng theo ông Năm Tiếp, năm nay mọi người thắt chặt chi tiêu, sử dụng lại lò cũ nên lượng hàng tại lò còn tồn đọng lại nhiều.

Bếp ông Táo được bọc lớp thiếc xung quanh và có hai quai cầm chắc chắn nhằm đảm bảo độ bền, đẹp và thuận tiện khi khách hàng đem về. Ảnh: Cẩm Quyên

Năm nay, giá bếp ông Táo không tăng, chỉ dao động từ 40.000 đồng đến 200.000 đồng tùy vào kích thước của lò. Đến thời điểm hiện tại, lượng hàng lò của xưởng ông Năm Tiếp luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Ông Trần Bá Thuận, thợ làm bếp ông Táo có hơn 40 năm kinh nghiệm đang tỉ mẩn, cắt gọt cho thành phẩm của mình. Ảnh: Cẩm Quyên

Ông Trần Bá Thuận, với hơn 40 năm làm tại bếp lò tại xưởng ông Tiếp, chia sẻ “Năm ngoái, vào thời điểm cận kề Tết Nguyên Đán sẽ không có lò để bán vì khách hàng đặt hết nhưng năm nay lượng hàng còn quá nhiều, sức mua chậm. Con tôi không theo nghề làm bếp lò, lấm lem và cực như thế này. Tôi sợ nghề này sẽ bị mai một”.

Bếp ông Táo có giá dao động thấp nhất từ 40.000 đồng đến 200.000 đồng. Lò ông Năm Tiếp luôn sẵn sàng để cung ứng phục vụ thị trường mua bếp của khách hàng. Ảnh: Cẩm Quyên

Với cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình đã thay thế bếp lò truyền thống sang bếp điện từ, bếp gas. Tuy nhiên trong tiềm thức của những người thuộc thế hệ ông Năm Tiếp, chiếc bếp lửa làm bằng tro và đất sét là một phần không thể thiếu trong gia đình đồng thời đây cũng là nghề đã giúp nhiều người thợ có thu nhập ổn định trong những năm qua.

Số lượng bếp ông Táo của nhà ông Năm Tiếp còn tồn đọng do lượng đơn đặt hàng của khách chậm hơn so với mọi năm. Ảnh: Cẩm Quyên

Hơn 45 năm qua, cơ sở sản xuất bếp lò ông Năm Tiếp chủ yếu phân phối đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng và TPHCM... Chủ cơ sở lò hy vọng sức mua sẽ cải thiện trong những ngày tới để tăng thu nhập, tạo công việc cho nhân công trong dịp Tết Nguyên Đán 2024 đang cận kề.

Cẩm Quyên – Thạch Phương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối