HẢI DƯƠNG -
Tạm biệt Bắc Giang, chúng tôi bắt đầu hành trình trên những cung đường, vùng đất tỉnh Quảng Ninh. Huyện Đông Triều là điểm dừng chân đầu tiên, nơi in đậm dấu ấn của vương triều nhà Trần từ tâm linh cho đến những giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, mặc dù hiện nay các công trình ít nhiều bị hoang phế hay chỉ còn lại dấu tích...
KỲ 4:
HUYỀN TÍCH MỘT VƯƠNG TRIỀU
Từ quốc lộ 18 trên địa phận huyện Đông Triều, chúng tôi bắt đầu đi tìm ngôi chùa nổi tiếng thứ hai trong hệ thống Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là Quỳnh Lâm Tự, nằm ở xã Tràng An. Nhìn từ xa xa du khách đã thấy những mái cong, gác chuông nhấp nhô giữa màu xanh cây lá và núi đồi.
Hôm chúng tôi đến là vào ngày cuối tuần nhưng chùa Quỳnh Lâm khá vắng vẻ. Gửi xe lại ngoài cổng chúng tôi bắt đầu dạo bước tới vườn chùa. Vẫn còn đây rừng trúc, gác chuông nhưng có cảm giác hoang vắng, tiêu điều. Vườn chùa rộng mênh mông nhưng chỉ toàn cỏ dại và những phiến đá nằm ngổn ngang. Đó chính là những đế, trụ, tường làm bằng đá với những hoa văn tinh xảo, độc đáo. Đôi rồng đá hai bên bậc thềm lên gác chuông may mắn hơn khi vẫn còn được nằm đúng vị trí. Nhưng rồng cũng đã bị sứt mẻ, còn gác chuông phục dựng sau này nhỏ hơn nhiều so với bản gốc từ thời Trần.
Theo những gì còn ghi lại ở Quỳnh Lâm Tự thì ngôi chùa có niên đại từ thời Lý, phát triển cực thịnh vào thời Trần. Cụ thể, đầu thế kỷ XIV, Tổ đệ nhị Pháp Loa của Thiền phái Trúc Lâm đã mở rộng, xây mới nhiều công trình Phật giáo ở chùa Quỳnh Lâm. Đến năm 1329 chùa đã được xây dựng lại một cách hoàn chỉnh với những công trình kiến trúc đồ sộ, tinh xảo. Văn bia ở đây được lập vào triều Nguyễn đã phong cho Quỳnh Lâm Tự là “Đệ nhất danh lam cổ tự chốn An Nam”.
Từ ô cửa gác chuông nhìn về phía xa xa là cây ruối cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm cùng những mộ tháp cổ kính rêu phong còn sót lại trong vườn chùa. Tiếng tụng kinh gõ mõ trong gian nhà nhỏ nơi hậu điện vọng đến. Không gian quạnh hiu, u tịch cộng với âm thanh tụng niệm ấy làm chúng tôi bất giác mường tượng ra những vị thiền sư đã từng tu hành đắc đạo nơi đây.
Vùng đất Đông Triều với núi non bao quanh và những cánh đồng trù phú cũng chính là quê cũ của nhà Trần. Nơi đây từng có bảy khu lăng mộ của chín vị đế vương nhà Trần. Bên cạnh đó còn có nhiều di tích, kiến trúc thời Trần khác. Từ ngã tư Đông Triều, chúng tôi rẽ vào xã An Sinh, vùng đất trước kia có tên Yên Sinh. Đây là nơi có sáu khu lăng mộ an táng các vua Trần. Hiện nay năm trong sáu khu lăng mộ chúng tôi tìm đến đều đang trong tình trạng hoang phế.
Chỉ có duy nhất Ngải Sơn Lăng, nơi yên nghỉ của vua Trần Hiến Tông, là khá toàn vẹn. Khu Ngải Sơn Lăng có nhà mái che, bên trong là khu mộ xây bằng đá, cùng hương án, bia ghi tiểu sử nhà vua. Xung quanh Ngải Sơn Lăng còn có vườn cây xanh tốt. Du khách đến đây cũng được chiêm ngưỡng vườn tượng khá độc đáo. Vườn tượng này mô phỏng lại những công trình, nét kiến trúc tiêu biểu của nhà Trần.
Đền An Sinh, nơi thờ các vị đế vương nhà Trần ở trung tâm xã An Sinh, có khá đông du khách tới tham quan, tìm hiểu về nhà Trần, về cuộc đời sự nghiệp của các vị vua. Đền An Sinh ngày nay có diện tích hơn 1.000 m2, mặt bằng kiến trúc dạng chữ “Công”, gồm năm gian tiền đường, một tòa trung điện và năm gian hai chái hậu cung, với kết cấu hai tầng tám mái, các bộ vì kèo dạng chồng rường, giá chiêng. Đền là nơi thờ Trần Hưng Đạo, Công đồng, Sơn thần, Thổ địa và tám vị vua Trần. Trong khuôn viên đền hiện còn lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, như bia đá, mảnh tháp, gạch, ngói, linh thú… Phía sau đền, du khách có thể đi dạo dưới rừng thông, rừng trúc xanh mát.
Có thể nói những gì còn sót lại như các cổ vật, dấu tích lăng mộ các vị vua và kiến trúc đình, chùa cũng phần nào giúp du khách hình dung ra trình độ xây dựng, kiến trúc thời nhà Trần. Nơi đây có lẽ nên được thiết kế, tổ chức chu đáo hơn để thành một điểm du lịch tâm linh, kết hợp với tìm hiểu văn hóa, lịch sử.