HẢI DƯƠNG -
Heo hút và tận cùng của những cánh rừng Tây Yên Tử, chúng tôi tìm đến vùng cao Sơn Động thuộc Bắc Giang. Mảnh đất xa xôi, cách Hà Nội trên dưới 150 km này mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú, vẫy gọi du khách.
KỲ 3:
VÙNG CAO SƠN ĐỘNG HOANG SƠ
Lang thang thảo nguyên Đồng Cao
Từ thị trấn phố núi An Châu bình lặng, xe chúng tôi bắt đầu ngược lên phía Tây Bắc. Có một nơi của tỉnh Bắc Giang mà chúng tôi háo hức được đến, đó là thảo nguyên Đồng Cao thuộc hai xã Vân Sơn, Thạch Sơn. Thiên nhiên đã ban tặng cho những đỉnh núi lưng chừng trời ở đây những đồng cỏ bao la cùng một khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm.
Những giọt mồ hôi ướt đẫm áo đã mau chóng được hong khô bởi cơn gió ào ào trên đỉnh núi. Thời tiết ở Đồng Cao thật thú vị. Hơn 10 giờ sáng, trời đang nắng chang chang vậy mà đùng một cái mây mù ở đâu kéo đến bao phủ cả không gian. Mọi người bắt đầu cảm thấy lành lạnh và giục nhau đi tìm chỗ trú mưa.
Sau cơn mưa, Đồng Cao hiện ra thật tươi mới, trong trẻo. Chúng tôi đưa tầm mắt nhìn về xa xa là những đám mây vẫn còn vấn vương trên các đỉnh núi thuộc dãy Yên Tử. Đồng Cao đẹp tựa một bức tranh phong cảnh bình lặng, tĩnh tại. Ở đó, tôi chỉ nhận ra hai gam màu chủ đạo, một là những vạt cỏ xanh mơn mởn trải dài hút tầm mắt, hai là những khối đá cô đơn, lạc lõng xám xịt.
Nhưng rồi, khung cảnh bớt buồn hơn khi văng vẳng từ xa tiếng sáo trúc vi vu như phá tan không gian tĩnh lặng. Chúng tôi cuốc bộ lên đỉnh núi, phóng tầm mắt về phía xa xa. Ở bên kia sườn núi, đàn trâu, ngựa đang nhởn nhơ gặm cỏ. Thảo nguyên Đồng Cao là nơi chăn trâu, thả ngựa của một số hộ dân quanh vùng. Nhưng tìm một căn nhà nhỏ giữa núi đồi mông mênh quả thật khó. Đi dọc từ triền núi này sang mỏm đồi khác, thỉnh thoảng chỉ bắt gặp một vài lán nhỏ đơn sơ của dân du mục bỏ lại.
Đi mãi cuối cùng chúng tôi mới bắt gặp một quán nước nhỏ. Anh chủ quán người Dao tên Triệu Phi Nhận tâm sự: “Chỗ mình chưa có điện đâu, đường đi từ dưới xuôi lên khó khăn lắm, trường học cách đây 10 cây số, nên lũ trẻ đành phải đi học từ sớm”. Cũng phải thôi, ở những vùng rừng núi hoang sơ, ít người qua lại thường đi đôi với sự kém phát triển ở góc độ kinh tế xã hội. Cái đẹp của cảnh sắc cùng bầu không khí mát mẻ chưa mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các gia đình nhỏ trên thảo nguyên này.
Nhiều nhóm du khách tìm đến Đồng Cao để thích lang thang qua những đường mòn giữa đồng cỏ lưng chừng trời. Cắm trại và ngủ kềnh qua đêm giữa thảo nguyên mênh mông để xem thú vị ra sao. Đồng thời, khám phá nét văn hóa bản địa của các dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Chỉ quanh vùng này.
Bóng nắng đã đứng đỉnh đầu, mọi người lại rủ nhau trở xuống từ độ cao 1.000 m. Điểm đến tiếp theo trên hành trình ngược lên Sơn Động chính là Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử thứ hai, tức rừng nguyên sinh Khe Rỗ ở xã An Lạc. Không còn hoang vắng như con đường lên Đồng Cao, giờ đây ngay trên quốc lộ 31 ở điểm rẽ vào An Lạc, chúng tôi bắt gặp từng đoàn người đi tránh nóng.
[box] “Miền gái đẹp”
Ở vùng Tây Yên Tử thuộc huyện Sơn Động, Bắc Giang, có “miền gái đẹp” Tuấn Mậu. Những người già kể rằng nhiều truyền thuyết gắn với việc các cô gái Dao được cung tiến vào kinh thành làm tỳ thiếp cho những bậc đế vương nhà Trần. Mảnh đất nào cũng có người xinh, người xấu. Nhưng cắt nghĩa của từ gái đẹp ở Tuấn Mậu được hiểu là vẻ đẹp không chỉ trên khuôn mặt, hình thể mà người con gái Dao còn phải đẹp trong những trang phục truyền thống, trong cách cư xử văn hóa, và đặc biệt là nếp sống đẹp của họ được giữ từ ngàn đời nay. Đó là lời giải thích của người già ở đây, bởi có nhiều du khách cũng như nhà nhiếp ảnh đã tìm về Tuấn Mậu với mục đích nhăm nhăm đi tìm các cô gái mặt xinh, da trắng chụp ảnh.[/box]
Trekking trong rừng nguyên sinh
Vào ngày hè nóng nực, được đi dưới những tán cây cổ thụ bên rừng, ngâm mình trong dòng suối mát lạnh là điều vô cùng thích thú. Mọi người có được cảm giác khoan khoái tuyệt vời ấy nếu bỏ ra một ngày ở Khe Rỗ. Vùng rừng núi An Lạc hoang vu, tĩnh mịch sẽ buồn tẻ lắm thay nếu không có một Khe Rỗ róc rách suối chảy. Khe Rỗ vào mùa hè trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách tận mạn Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh chứ không riêng gì người Bắc Giang.
Đường vào Khe Rỗ hiện nay đã được đổ bê tông khá đẹp. Nhưng thuận theo tự nhiên, nhiều đoạn người ta không làm cầu mà vẫn để dòng nước từ các con suối chảy tràn qua mặt đường. Không cưỡng nổi cảm giác thích thú giữa trưa lại gặp dòng suối mát, chúng tôi dừng chân tắm luôn cho mấy chiếc xe máy sạch sẽ sau hành trình đất đỏ trên Đồng Cao.
Không khí ở Khe Rỗ vào những ngày hè luôn rộn ràng. Lũ trẻ con thích thú được bố mẹ cho đi chơi xa, lại còn chuẩn bị cả áo phao để tắm. Còn thanh niên phân chia nhau vác đồ ăn, nước uống bắt đầu chuyến trekking (đi bộ khám phá, trải nghiệm) rừng nguyên sinh.
Đi dưới những tán rừng dày đặc, dường như du khách chẳng mấy khi nhìn thấy mặt trời. Trưa nắng mà không khí nơi đây vẫn rất mát. Tuy đang là mùa mưa, nhưng suối ở Khe Rỗ khá cạn, nước chỉ ngập đến bắp chân. Ai thích lội suối thì chỉ cần chuẩn bị một đôi dép tổ ong và chiếc mũ đội đầu. “Lội nước thích hơn đi trên bờ!”, một người trong nhóm rủ rê. Đôi chỗ con đường mòn men theo suối lại đổi sang phía bên kia. Nhiều người lội qua một con đập xây ngang suối.
Càng vào sâu trong rừng, dòng nước suối càng trong xanh. Kỳ thú nhất là những bãi tắm tự nhiên ngay trên lòng suối. Mấy cô gái do đã chuẩn bị sẵn đồ bơi từ nhà nên hò reo thích thú, cùng nhau nhảy xuống. Lũ trẻ con cũng mặc áo bơi, phao bơi vùng vẫy giữa suối thỏa thích.
Bên bờ suối, những thân cây cổ thụ xanh tốt tỏa bóng mát, trở thành điểm nghỉ chân uống nước, ăn nhẹ lý tưởng. Cuối con đường mòn men theo suối là một khu nhà sàn khá rộng. Ở đây luôn có những đoàn khách dừng chân để ăn uống.
Từ điểm căn nhà sàn thuộc vùng lõi rừng Khe Rỗ sẽ có hai con đường mòn để du khách chọn lựa cho hành trình khám phá tiếp theo.
Trọn một ngày, chúng tôi trải qua nhiều cảm giác. Từ cơn mưa trên thảo nguyên, những đám mây bồng bềnh ở độ cao 1.000 m cho đến hành trình đi bộ hơn 5 km giữa rừng nguyên sinh. Tất cả những gì thiên nhiên đã ban tặng cho Tây Yên Tử vô cùng đẹp, quyến rũ.