Thứ hai, Tháng Một 20, 2025

Yên Tử, hành trình từ Tây sang Đông

HẢI DƯƠNG -

Đã lên đỉnh Yên Tử nhiều lần nhưng là vào các dịp lễ hội, còn lần này chúng tôi muốn tìm kiếm một Yên Tử bình lặng trong cõi thiền của ngày thường. Chúng tôi đi bộ lên chùa Đồng vào mùa hè như để kết thúc hành trình Yên Tử từ Tây sang Đông.

Kỳ cuối:

BÌNH LẶNG YÊN TỬ

Khi cả nhóm tới Mạo Khê, trời đổ mưa như trút nước. Con đường của vùng than Quảng Ninh lầy lội với một màu đen xì. Cũng may, khi đến chân Yên Tử thì cơn mưa mùa hạ đã tạnh, không khí mát mẻ, trong lành. Cảnh sắc Yên Tử hiện ra u tịch, không còn những bon chen, không có những ồn ào của lễ hội.

Khách đến Yên Tử lặng mình đứng trên cầu đá nhìn xuống suối Giải Oan. Con suối nhỏ với những hòn đá ngổn ngang. Nơi đây mang trong mình câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết, rằng ngày xưa Đức Phật Hoàng sau khi rời bỏ ngai vàng quy y cửa Phật, đã có nhiều cung nữ từ kinh thành tới đây khuyên ngăn nhà vua. Khuyên không được, họ gieo mình xuống suối tự vẫn.

Bậc đá rêu phong vắng bước chân người.
Bậc đá rêu phong vắng bước chân người.

Có đi vào những ngày bình lặng thế này mới thấy Yên Tử đẹp ở đúng giá trị một nơi tu hành của các bậc tiền nhân. Từ chùa Giải Oan lên khu mộ tháp Huệ Quang bắt đầu trải qua những bậc dốc. Chỉ đi được một đoạn, mồ hôi ai nấy cũng vã ra như tắm. Nằm ở vị trí trung tâm của khu mộ tháp là tháp Phật Hoàng Trần Nhân Tông được làm bằng đá xanh. Bên trong tháp có bức tượng Phật Hoàng bằng đá cẩm thạch. Những hàng mộ tháp nhỏ của các nhà sư tu hành rồi viên tịch ở Yên Tử nằm thành từng hàng ngay ngắn ở hai bên.

Từ khu mộ tháp Huệ Quang đi lên phía trước là hàng loạt khu di tích nối tiếp nhau như chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, tượng An Kỳ Sinh, tượng Phật Hoàng… Ngoài ra, đường lên Yên Tử còn vô vàn những cảnh đẹp thiên nhiên. Đường tùng, đường trúc vắng lặng, gợi một cảm giác như nơi đây khi xưa được các bậc chân tu ngày ngày dạo bước đi qua. Các nhà sư thường tìm đến những nơi núi cao hiểm trở, vắng bóng người qua lại để tu thiền.

[box] Khái niệm Tây Yên Tử

Quần thể Yên Tử gồm khu di tích, thắng cảnh ở xã Thượng Công Yên, thành phố Uông Bí, khu di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần, huyện Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh, và khu Tây Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Nếu xét trong tỉnh Quảng Ninh thì khu am-chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên… có thể được gọi là Tây Yên Tử (lấy khu Yên Tử ở xã Thượng Công Yên là đối sánh). Nhưng nếu xét chung cả quần thể di tích, thắng cảnh này thì khu Tây Yên Tử hoàn toàn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.[/box]

Có những cây tùng không biết đã sống ở đây bao nhiêu kiếp người. Cảnh vật thâm u nhuốm màu thiền. Một người trong nhóm chúng tôi dang tay ôm thân cây tùng cổ thụ, có lẽ đường kính thân cây cũng phải trên một mét. Nhiều đoạn rễ tùng đâm cả ra lối đi, ăn vào vách đá. Ở chùa Hoa Yên còn có hai cây đại được gắn biển ghi rõ đã 700 năm tuổi.

Vào những ngày mù mịt sương giăng, du khách khó thể nhìn thấy hết nét đẹp của Yên Tử. Nhưng lúc này, một ngày trời trong quang đãng, đứng từ trên đỉnh Yên Tử và phóng tầm mắt ra bốn phía, chúng tôi không khỏi bị choáng ngợp bởi cảnh sắc bao la, hùng vĩ. Gần một ngày leo núi để chinh phục độ cao 1.068 m, ai cũng mệt. Lên đến chùa Đồng, mọi người cùng tìm bóng mát ngồi nghỉ. Không ồn ào, chen lấn, chẳng bị chèo kéo như mọi lần vào mùa lễ hội, chúng tôi đã được vãn cảnh trong sự bình yên.

Trên đường đi xuống, chúng tôi đã rẽ sang tìm thác Ngự Dội. Tương truyền đây là nơi xưa kia Đức Phật Hoàng vẫn thường ra tắm rửa sau đó lên am Thiền Định kế bên để tọa thiền. Theo người dân địa phương, hàng năm thác chỉ có nước vào giữa mùa mưa. Không chỉ có thác Ngự Dội mà ở Yên Tử còn có thác Vàng, thác Bạc... là những thắng cảnh không nên bỏ qua.

Từ điểm xuất phát tại chùa Vĩnh Nghiêm đến điểm cuối là chùa Đồng, hành trình từ Đông sang Tây khám phá quần thể di tích và thắng cảnh Yên Tử của chúng tôi đã kết thúc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối