Văn Nam
Kết quả khảo sát ba tháng gần đây về năng lực của doanh nghiệp ngành cao su-nhựa tại TPHCM trong việc cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, xe máy và điện tử cho thấy 95% doanh nghiệp không đáp ứng về giá, 90% không đáp ứng được về công nghệ, 90% không đáp ứng về quản trị.
Giá bán quá cao
Vấn đề đáng lo ngại nói trên được ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TPHCM, nêu ra tại hội thảo về phát triển công nghiệp hỗ trợ của ngành nhựa và cao su do Sở Công Thương cùng Trung tâm Kỹ thuật cao su-nhựa và Đào tạo quản lý môi trường TPHCM tổ chức mới đây. Kết quả đó phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn khá yếu kém. "Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung cấp cao su gác chân, cao su đệm..., còn phần lớn các cao su cao cấp như dây đai truyền lực, ron, phốt, ống cao su thủy lực... đều nhập khẩu hoặc do các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cung cấp", ông Quốc Anh nói tại hội thảo.
Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất (Ruthimex) cho rằng doanh nghiệp trong nước cần phải rất kiên trì mới có thể trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lâu dài cho các đối tác lớn. Chẳng hạn như Ruthimex, trước khi trở thành nhà cung cấp các sản phẩm cao su cho các nhà sản xuất xe lớn như BMW, Ford... thì cũng phải mất thời gian làm thử ban đầu đến 2-3 năm, đáp ứng hàng loạt yêu cầu khắt khe của đối tác. Bên cạnh đó, theo ông Hồng, doanh nghiệp phải có năng lực tài chính để đủ sức sản xuất thử nghiệm từ số lượng ít đến số lượng nhiều với chất lượng ổn định.
Như vậy, để có được đối tác lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần nhiều yếu tố. Tuy nhiên, một dẫn chứng mà ông Quốc Anh nêu ra tại hội thảo là xét về giá thôi thì doanh nghiệp đã làm cho đối tác e dè. Dẫn chứng cụ thể, ông Quốc Anh cho biết có một công ty nước ngoài tìm đến hội nhờ giới thiệu doanh nghiệp trong nước cung ứng sản phẩm ron cao su với số lượng khoảng 10 triệu cái mỗi năm. Tuy nhiên, giá được các doanh nghiệp cao su-nhựa chào lại quá cao, gấp 10 lần và thậm chí có doanh nghiệp chào cao gấp 100 lần so với mức giá mà phía đối tác dự kiến sẽ mua.
Ông Anh cũng dẫn trường hợp khác là mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 40 triệu van bơm hơi trong săm lốp (ruột, vỏ) xe máy. Với giá khoảng 3.000 đồng/van thì hiện nay Việt Nam vẫn phải mất 120 tỉ đồng mỗi năm để nhập khẩu bởi trong nước không ai sản xuất với giá được các đối tác muốn mua chấp nhận. “Mỗi chiếc van bơm hơi trong săm lốp xe máy gồm năm chi tiết phụ, mỗi chi tiết có giá bình quân được các đối tác dự kiến mua khoảng 300 đồng nhưng khi tôi đi hỏi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cao su nhựa của ta thì hầu hết đều chào giá trên 1.000 đồng/chi tiết”, ông Anh nói.
Sở dĩ các doanh nghiệp nhựa, cao su trong nước chào giá bán các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quá cao là vì hầu hết không được đầu tư công nghiệp sản xuất hiện đại đủ sức làm các đơn hàng số lượng lớn và chất lượng cao.
Tìm cách thoát vòng luẩn quẩn
Theo ông Trương Minh Khách, Trưởng phòng Kế hoạch thuộc Sở Công Thương TPHCM, cái vòng luẩn quẩn khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố chậm phát triển bấy lâu nay gồm hạn chế về vốn – khó tiếp cận tín dụng – khó đổi mới công nghệ – chất lượng sản phẩm kém, giá thành cao, năng lực cạnh tranh kém – hiệu quả kinh tế thấp, khó tích tụ vốn cho phát triển.
Hiện nay Sở Công Thương đang soạn thảo đề án “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Theo đó, thành phố sẽ dành nhiều ưu tiên thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành sản xuất linh kiện phụ tùng nhựa, cao su. Riêng đối với ngành cao su-nhựa, ông Khách khẳng định rằng giải pháp sắp tới là thành phố sẽ không phát triển tràn lan mà chỉ chọn lựa một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiềm năng để hỗ trợ doanh nghiệp ngành này phát triển, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị thí nghiệm để chứng nhận, kiểm định chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm cao su-nhựa kỹ thuật. Sở cũng đề xuất bố trí quỹ đất cho ngành công nghiệp hỗ trợ cao su-nhựa kỹ thuật, xây dựng các “chung cư nhà xưởng” dành cho các doanh nghiệp chỉ cần mặt bằng nhỏ vài trăm mét vuông để mở xưởng sản xuất.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết Việt Nam đang phải nhập 80% các loại nguyên liệu nhựa; như năm 2013 đã nhập khoảng 2,8 triệu tấn nguyên liệu nhựa từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, trong đó nhập nhiều nhất là nguyên liệu nhựa PE, PP, chiếm đến gần 1,3 triệu tấn.
Ông Lam cho rằng sản phẩm nhựa phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ rất đa dạng. Để có định hướng phát triển phù hợp, Bộ Công Thương cần nghiên cứu hình thành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm quốc gia đi kèm với chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp với từng thời kỳ. Theo ông Lam, doanh nghiệp trong nước với xuất phát điểm thấp, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực nên chưa thể đi sâu nghiên cứu, sản xuất được các chi tiết sản phẩm để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp lớn.