Sau 18 phút ra mắt (ngày 12-5), MV Chạy ngay đi của Sơn Tùng M-TP đã cán mốc 1 triệu lượt xem. Nhưng liền sau đó, bài hát đã vấp phải hàng loạt ý kiến trái chiều vì cách sử dụng bức họa Pietà bị cho là xúc phạm đạo Công giáo. MV ngày càng nổi, còn Sơn Tùng vẫn im lặng trước mọi bão giông.
Vô tình hay hữu ý?
Một năm im lặng, ngày trở lại của Sơn Tùng M-TP đã không phụ lòng khán giả yêu mến khi kết hợp với ngôi sao hạng A Thái Lan Mai Davika, sử dụng truyền thông bài bản, âm nhạc và hình ảnh có sự phá cách cộng thêm sự tò mò của cả người yêu và ghét… để đưa Chạy ngay đi thẳng tiến kỷ lục mới.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của bức họa Pietà (Đức Mẹ sầu bi) – mô tả cảnh Đức Mẹ ôm xác Chúa Jesus sau khi bị đóng đinh trên cây thánh giá – trong MV có lẽ cũng góp phần không nhỏ cho kỷ lục ấy. Bức tranh Pietà có trong hầu hết cảnh quay của MV, bao gồm cả cảnh vũ công nhảy múa gợi cảm phía trước và nam chính châm lửa đốt căn phòng vì thù hận.
Các tiền lệ
Trước Sơn Tùng, cũng có khá nhiều MV ngoại từng “dính phốt” tương tự. Katy Perry, trong Dark Horse (2013) hóa thân thành nữ thần Ai Cập, đeo chiếc dây chuyền hình thánh Allah khiến cộng đồng đạo Hồi giận dữ. MV bị chỉ trích nặng nề tới mức Katy phải âm thầm xóa sợi dây chuyền đi. Còn trong Like a prayer (1989), Madonna mặc váy dây mỏng, hôn một vị thánh da màu và khiêu vũ gợi cảm giữa những cây thánh giá cháy rực. MV bị phản đối bởi người theo đạo Thiên Chúa và cáo buộc phân biệt chủng tộc, dù đạo diễn Mary Lambert đã lên tiếng giải thích. Pepsi, đơn vị tài trợ và sử dụng ca khúc để quảng cáo, phải hủy bỏ tài trợ cho tour diễn thế giới của Madonna…
Những người ngoại đạo khi dùng chất liệu tôn giáo trong nghệ thuật có thể bào chữa là thiếu hiểu biết. Nhưng Lady Gaga lại khác khi từng học tại trường học tu viện thời niên thiếu, vậy mà cô có tận hai MV đầy khiêu khích, đó là Alejandro với cây thánh giá trong phòng ngủ trần tục trong đó Lady Gaga hóa thân thành nữ tu và nuốt tràng hạt. Còn trong Judas, cô hóa thân thành Mary Magdalene – người phụ nữ lẳng lơ, gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử tôn giáo.
Sự sáng tạo và giới hạn
Nhưng những Dark Horse, Judas hay Alejandro nổi tiếng còn nhờ chính thực lực khi đều được thừa nhận bởi giới chuyên môn và các nhà phê bình âm nhạc, liên tiếp gặt giải thưởng âm nhạc thế giới, lọt top 10 nhiều bảng xếp hạng danh tiếng.
Phần Lady Gaga khi bị chỉ trích là “cừu đen” ngạo mạn, cô thừa nhận mình lập dị nhưng phủ nhận những chỉ trích phiến diện bởi Alejandro là sự khâm phục những người đàn ông đồng tính dũng cảm chống lại định kiến để bước ra ánh sáng. Trong Judas, dù nhân vật Mary có mù quáng chạy theo Judas và phản bội Chúa, thì Jesus vẫn tha thứ cho nàng. MV khuyến khích con người chấp nhận sai lầm trong quá khứ, tha thứ để tìm được an yên.
Có thể thấy sự tương đồng khá lớn giữa Chạy ngay đi với Alejandro hay Judas. Cùng tông màu đỏ máu và đen chủ đạo; cùng có những cảnh bạo lực; thể hiện khát vọng, sự phản bội và giằng xé tâm can. Chạy ngay đi còn được đầu tư kỹ lưỡng không chỉ về diễn viên, nhịp điệu, màu sắc, mà còn cả ý tưởng và ẩn dụ hình ảnh. Sự mới mẻ, chuyên nghiệp và chỉn chu của nó đã được chứng minh khi ngay lập tức trở nên “hot” trên mọi mạng xã hội. Nếu trước kia Lady Gaga không phá cách, chúng ta đã không bao giờ có được hai MV đỉnh cao như thế để thưởng thức.
Dùng chất liệu tôn giáo trong nghệ thuật là điều không hiếm trên thế giới và Việt Nam không phải là sự ngoại lệ. Tùy quan điểm mỗi người mà tôn giáo được thể hiện khác nhau. Tuy vậy, người nghệ sĩ cần cẩn trọng trước những ranh giới nhạy cảm. Bất kỳ sự phỉ báng tôn giáo nào cũng đều gây ra những hậu quả khôn lường và dùng yếu tố này để nổi tiếng hẳn nhiên không thể là mục đích của nghệ thuật, mà phải ở thực lực của người nghệ sĩ. Chạy ngay đi có được khán giả và giới chuyên môn công nhận hay không, không phải nhờ những ẩn dụ xung quanh bức Pietà. Nó phải đến từ giai điệu, ngôn từ, cách xử lý nhạc… mà Sơn Tùng M-TP và ê-kíp thực hiện.